Thursday, April 12, 2018

Tâm Sự Về Sài Gòn - Sài Gòn Xưa

Tháng này Sài Gòn quá nóng. Có những hôm nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Chẳng những nóng thôi mà còn ô nhiễm. Ô nhiễm trầm trọng. Từ sông nước kênh rạch cho tới môi trường sống. Sự ô nhiễm không chỉ nằm ở bầu không khí con người hít thở, mà còn ở tiếng động chung quanh. Quán xá nào cũng ầm ĩ tiếng nhạc xen lẫn tiếng xe cộ ngoài đường và tiếng người cười nói. Ở Việt Nam có cái kỳ, là quán xá nào cũng mở nhạc ầm ĩ. Có phải lúc nào con người cũng có nhu cầu thưởng thức âm nhạc đâu? Có lúc con người cần âm thanh để lấp đầy một thứ khoảng-trống-im-lặng trong nội tại hắn, nhưng cũng có lúc con người cần sự im lặng để lấp đầy một thứ khoảng trống khác, khoảng-trống-đầy-tiếng-động.
Sài Gòn hôm nay đã hiện đại hơn, tiện nghi hơn; không gian của thành phố thì rộng ra với nhiều quận huyện ngoại thành được mở. Nhưng không gian của mỗi cá nhân cư dân lại bị thu hẹp. Dân số tăng gấp nhiều lần; từ đó Sài Gòn trở nên ồn ào hơn, bụi bặm hơn, nóng hơn, ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn, ngập úng hơn, kẹt xe hơn và bát nháo hơn. Sài Gòn mất dần cái duyên dáng ngày xưa mà thiên nhiên trao tặng. Cái duyên có từ màu xanh cây lá, màu xanh sông nước, và màu xanh của bầu trời. Hôm nay tìm một chỗ giữa phố để ánh mắt con người ngẫu nhiên chạm được màu xanh bầu trời là việc khá khó khăn. Tầm mắt phải vượt qua vô số chướng ngại, nào là những toà nhà ngất ngưởng, nào là những chùm dây điện rối mù, và khói bụi…
Quán cà phê chim
Với tôi, Sài Gòn hôm nay giống như một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa nhiều chuyện, vừa cáu bẳn; được cái là bà lại có tấm lòng rất tốt, rất chung thủy, luôn đáp ứng những nhu cầu cần thiết của mình trong khả năng có thể. Thỉnh thoảng quá chán bà, tôi lại thèm bỏ đi thực hiện các cuộc ngoại tình ngắn hạn ở những nơi chốn xa, rồi trở về với nỗi lòng ngập tràn mặc cảm.
Ngày nay tìm một chỗ yên tĩnh ở trung tâm Sài Gòn để ngơi nghỉ giây lát cũng rất khó khăn. Nếu có tìm được, thì bạn phải trả một giá khá cao. Để có một chỗ ngồi yên tĩnh, có máy điều hoà mát lạnh, có chút cây cỏ mát mắt, đại khái một quán nước trong vườn, có những yếu tố như vậy thì bạn phải trả trên 30 ngàn, có nơi đến 50, hay 60 ngàn cho một ly nước, một số tiền khá lớn, gần bằng một phần ba thu nhập bình quân của người dân lao động. Ngoài ra, sự yên tĩnh trong không gian của các quán xá sang trọng này không phải là sự yên tĩnh tự nhiên; nó giả tạo, và bị cố tình cách ly xa rời với đời sống thật đang diễn ra bên ngoài các bức tường bao quanh nó. Vậy thì phải tìm một chỗ ngồi yên tĩnh như vậy ở đâu đây?
Quán trà
Tôi nói nhỏ với bạn thôi nhé, đừng tiết lộ ngheng, hãy đến công viên Tao Đàn !
Bạn muốn nghe, xem các loại chim kiểng và không ngại tiếng ồn, hãy vào cổng phía đường Lê Văn Duyệt cũ những buổi sáng, đặc biệt là những sáng cuối tuần. Gởi xe ở cổng xong, vào vài bước sẽ thấy một quán cà phê lộ thiên, bàn ghế nhựa. Ở đây những người nuôi chim kiểng mang chim đến cho chúng “giao lưu” với nhau. Có điều, khi bạn nghe tiếng hót của một hay hai con chim thôi thì khác hẳn với khi nghe cả hàng trăm con tranh tiếng cùng một lúc. Khi đó, chim cũng nhiều chuyện và đố kỵ ganh ghét không kém con người.
Nhưng nếu muốn yên tĩnh hơn, bạn hãy bước thêm vài bước lên căn nhà gỗ nằm ngay sau khoảng sân đó. Gian phòng chính trong nhà được thiết kế như một trà thất giản dị, bàn ghế gỗ thấp và xinh xắn, tuy nhiên bạn cũng có thể chọn một trong những chiếc bàn nhỏ bày bên ngoài hàng hiên nếu muốn. Ở đây chỉ phục vụ khách một thức uống duy nhất là trà, nhưng có khá nhiều loại trà để bạn tùy nghi chọn lựa, và giá cả rất phải chăng. Người đứng trông coi trà thất này là một cô gái nhỏ nhắn, thường mặc chiếc áo tràng màu lam. Tôi và vài người bạn thỉnh thoảng đến đây ngồi nhìn cây xanh, chim chóc, những người nhàn tản uống cà phê bên dưới, những cặp tình nhân nắm tay tung tăng trong công viên, và một buổi sáng đang lờ lững trôi qua cuộc đời mình.
Chị Bé bán báo
Đôi khi tôi chọn quán cà phê nằm bên trong cổng ở đường Huyền Trân Công Chúa. Ở đây tôi thường gặp hai người phụ nữ thú vị. Người thứ nhất là chị phụ việc ở quán. Câu chào giọng Bắc trên cửa miệng của chị là, “Uống gì đây người đẹp?”. Dù nhan sắc của bạn phôi pha đến như thế nào cũng mặc, tất cả mọi người dưới mắt chị đều là người đẹp. Câu chào, kèm luôn câu hỏi thức uống, vui vẻ và ý nhị này có thể làm bạn vui lên ít ra trong một phút. Người thứ hai là một chị đi bán báo dạo.
Qua lời chị Bé nói, mỗi ngày chị phải kiếm cho ra 150 ngàn để vừa sống vừa trả lãi cho một món nợ chừng vài triệu mà chị đã vay khi túng ngặt. Tôi thường mua tờ báo ngày, đọc thoáng qua xong thì chị cho tôi đổi lấy một tờ khác, cũng đọc lướt qua, rồi tặng lại chị để bán cho người khác. Cái gì làm cho người phụ nữ gốc Quảng có gương mặt hồn hậu này tiếp tục bền bỉ, kiên nhẫn sống trước những nghịch lý của đời sống thị dân? Tôi không hiểu!

Có khi bạn sẽ gặp những cặp cô dâu chú rể đưa nhau vào đây để chụp hình cưới. Thật là vui phải không ạ? Thử tưởng tượng rằng, có khi tất cả những sự kiện quan trọng trong đời người đều xảy ra ở một nơi chốn duy nhất, ở nơi đây. Ngày thơ bé ta vào đây vui chơi. Rồi yêu đương và cưới hỏi cũng dưới những bóng cây này. Rồi theo thời gian, ta già đi trong hạnh phúc cũng dưới bóng cây. Và cả khi ta cô độc, lắng nghe đời sống, một mình.
Nếu mục đích của bạn không phải là ngồi quán thì bạn có thể gởi xe rồi vào công viên theo lối đường Trương Định. Hay đưa người yêu của bạn theo cùng để lang thang trong công viên ngắm những chú sóc chuyền cành trên cao, hoặc ngồi lại một ghế đá rù rì những chuyện chỉ quan trọng với hai bạn, dù tình hình thế giới có đang rơi vào khủng hoảng như thế nào cũng mặc kệ, để đó tính sau. Theo cách đó, bạn nên mang theo hai chai nước suối và hai ổ bánh mì, nếu đủ hồn nhiên và lãng mạn thì mang theo cây đàn nữa, như cặp tình nhân này, là có thể tiêu pha cả ngày ở đây mà khó lòng thấy chán.
Tao Đàn là nơi trú ẩn cuối cùng của tôi, yên tĩnh và ít tốn kém, trong thành phố này. Tôi sợ một ngày nào đó, vào Tao Đàn cũng không còn chỗ cho tôi thở. Nè, nhớ à ngheng, đăng báo thì đăng chứ đừng nói lại với ai, hay rủ rê thiên hạ vào đông nghẹt là tôi rầu lắm đó!
Xin hết

















No comments:

Post a Comment