Hàng trước chỉ một mình Th/T Phố có phao nổi, Th/Sỉ Sanh ngồi sau, Th/Tá Phố ,Th/ Sỉ Tr Khánh, Khoa con Th/Tá Thu, bà Th/Tá Thu.
Hàng sau là bà Th.Tá Lương 259C , bà Th/Tá Thạnh, Cẫm Tú, Peter Nguyễn và bà Đ/Uy Thạch, Thùy con gái Th/Tá Thu.
LTS: Câu chuyện Thiếu tá Phi công VNCH Lý Bửng lái chiếc L.19 đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway vào thời điểm 30 tháng Tư 1975 mà Viễn Đông đăng tải ngày 28-3-2010, đã trở thành câu chuyện lý thú được nhiều độc giả theo dõi. Nay một phi công khác, Thiếu tá Trần Ngọc Thạnh, người chỉ tọa độ chiếc USS Midway cho phi công Lý Bửng, kể thêm hai câu chuyện hấp dẫn khác. Thứ nhất là chuyện ông lái trực thăng UH 1 chở theo 39 người ra HKMH USS Midway, nửa chừng máy bay chết máy. Câu chuyện thứ hai, ông kể về việc đi tìm người con gái của ông, sau 3 năm mất tích từ Mỹ qua Đức. Cả hai câu chuyện đã được ký giả Thanh Phong ghi lại để lần lượt gửi đến quý độc giả.
LITTLE SAIGON – Những câu chuyện về ngày 30-4-1975 đến 35 năm sau vẫn còn “nóng hổi”. Tại tòa soạn nhật báo Viễn Đông hôm 26-4-2010, với giọng kể hùng hồn, say sưa, Thiếu tá Phi công Trần Ngọc Thạnh thuật lại cho chúng tôi câu chuyện di tản của ông.
Khi cuộc đảo chánh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nổ ra vào ngày 1-11-1963, lúc đó Sinh viên Sĩ Quan Không Quân Trần Ngọc Thạnh đang thụ huấn tại Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp phi công, ông được đưa về phi đội trực thăng của Liên Phi Đoàn 83 trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Cuối năm 1964, Liên Phi Đoàn 83 tan rã. Phi đội trực thăng trở thành phi đoàn 219. Phi công Trần Ngọc Thạnh được cử làm hoa tiêu phụ rồi trở thành hoa tiêu chính, Trưởng Phi cơ rồi làm Sĩ quan Huấn luyện, Sĩ quan Hành quân,và Phi Đoàn Phó với cấp bậc sau cùng là Thiếu tá.
Ông lái trực thăng cho Lực Lượng Đặc Biệt với nhiệm vụ chở các toán Biệt Kích nhảy ra Bắc, qua Lào. Máy bay của ông có lúc bị trúng đến 28 viên đạn của Việt Cộng tại vùng ba biên giới, 2 người tử thương, các nhân viên phi hành còn lại đều bị thương và được cứu sống. Phi công Trần Ngọc Thạnh dù bị thương nhưng đã cố lái được về căn cứ Ben Hét.
Phi đoàn 219 của ông đóng tại Đà Nẵng sau về Nha Trang. Khi Nha Trang thất thủ, phi đoàn bay vào Tân Sơn Nhất, ông được chỉ định lái trực thăng cho Tổng Trưởng Quốc Phòng, lúc đó làTrung tướng Trần Văn Đôn. Sáng 29-4-1975, ông bay về Cần Thơ rồi từ Cần Thơ bay ra Côn Sơn, và từ Côn Sơn bay ra hàng không mẫu hạm USS Midway.
* Di tản thân nhân Không Quân
Tối ngày 28-4-1975, do tin tình báo, biết phi trường Tân Sơn Nhất sẽ bị cộng quân pháo kích nên Bộ Chỉ Huy ra lệnh dùng máy bay C.130 chở tất cả vợ con các phi công và quân nhân Không Quân ra Côn Sơn trước, còn các phi công không có nhiệm vụ đi Côn Sơn phải túc trực ở TSN chờ lệnh.
Đêm 28, Việt cộng pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều máy bay bốc cháy và hư hại, mảnh máy bay văng đầy trên phi đạo. Những phi cơ nào còn nguyên vẹn đều cất cánh bay đi Utapao. Trong phi trường Tân Sơn Nhất lúc đó vô cùng hỗn độn.
* Đi tìm trực thăng
Kể đến đây, nét mặt Thiếu tá Trần Ngọc Thạnh rất buồn, ông nói tiếp, nhìn những chiếc máy bay bị cháy, mảnh văng tung tóe ông rất uất hận, nghĩ rằng mọi sự đã chấm hết! Nhiều người đã thay quân phục để trở về nhà. Sài Gòn đang cơn hoảng loạn, ông nghĩ tại sao mình không tìm một chiếc máy bay còn lại để đi tìm vợ con. Ông và một anh cơ phi tên là Đồng Minh Sanh, hai thầy trò đi tìm máy bay. Đang đi trong Không đoàn 33, hai người gặp một chiếc xe dân sự đậu ở đó nhưng không có chìa khóa. Hai thầy trò mò mẫm nối dây điện lại và máy xe nổ. Hai người lên xe luồn lách để ra cuối phi đạo nơi có những chiếc máy bay từ các Phi đoàn khác di tản về đậu tại đó. Xe chạy qua một bụi cỏ lau, đụng phải vật cản dừng lại. Hai người nhảy xuống xem, thì ra là một bình ắc quy lớn. Hai thầy trò tính không lấy, nhưng không hiểu sao lại cùng khiêng bỏ lên xe. Tới cuối phi đạo, hai người tìm được một trực thăng UH1 còn tương đối nguyên vẹn nhưng khi ráp bình ắc quy vào và kiểm tra lại thì máy bay chỉ còn độ một, hai trăm pound xăng, không đủ bay đi xa.
Anh cơ phi nói với Thiếu tá Thạnh: “Ông Thầy để tôi đi tìm thùng đạn rồi mình lấy xăng của mấy chiếc máy bay kia đổ vô chiếc này cho đủ xăng bay”. Hai người đi tìm thùng đạn và lấy xăng ở bụng các chiếc máy bay khác từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa thì được khá nhiều nhưng không có phễu, nên đổ vô chỉ được một phần, hai phần chảy ra ngoài.
Hai thầy trò đang đổ xăng, nghe hỏa tiễn 122 ly của Việt cộng bay vèo trên đầu. Hai người vội nằm xuống. Trái hỏa tiễn 122 ly rơi cách chỗ hai người không xa lắm, cắm phập xuống đất, một phần nhô lên khỏi mặt đất và rất may không nổ! Ông Thạnh nói: “Nếu không thì giờ này hai anh em mình đâu có ngồi đây bên nhau để kể lại câu chuyện này!”.
Hai người đang lúi húi đổ xăng thì thấy một chiếc xe pha đèn chạy tới, hóa ra là Thiếu tá Thu (hiện đang ở San Diego) và Trung úy Nghiêu. Thiếu tá Thu lúc đó là Phi đoàn Phó Phi đoàn 219. (Trước đây Thiếu tá Thạnh cũng đã giữ chức vụ này). Còn Trung uý Nghiêu thuộc phi đội 259.
Các ông lên trực thăng và bay xuống Cần Thơ đổ xăng để đi tiếp.
* Từ Cần Thơ ra Côn Sơn
Trong lúc bay từ Tân Sơn Nhất về Cần Thơ, Thiếu tá Thạnh để cần số “gạt” nên nghe được âm thoaiï của tất cả các loại máy bay đang bay trong khu vực. Ông liền liên lạc với hàng không mẫu hạm USS Midway vàø yêu cầu giúp đỡ. Khi trực thăng của Thiếu tá Thạnh xuống bãi đáp tại Cần Thơ, Thiếu tá Thu cho biết ông đi tìm phương tiện về Cà Mau với gia đình. Thiếu tá Trần Ngọc Thạnh đem máy bay đi đổ xăng. Đổ xăng xong, ông xin tọa độ của HKMH USS Midway và coi trên bản đồ thì biết chiếc USS Midway đang ở cách Côn Sơn 50 dặm.
Tại phi trường Cần Thơ có lệnh cho máy bay của ông phải trở lại bãi đáp. Khi đổ xăng xong ông cho máy bay trở lại bãi đáp thì gặp lại Thiếu tá Thu và vợ con của ông này. Các ông lại cất cánh bay đi Côn Sơn.
* Từ Côn Sơn ra HKMH USS Midway
Trước khi ra Côn Sơn, ông đã liên lạc với HKMH USS Midway và họ cho biết: “Chúng tôi đang chờ các anh”, nên ông yên tâm biết mình sẽ đi đâu rồi, và khi tới Côn Sơn ông tìm được vợ con ngay. Nhưng phi trường Côn Sơn lúc này quá hỗn độn, quân nhân và vợ con lính đứng đầy trên phi đạo. Những nhân viên an ninh phi trường cấm không cho máy bay cất cánh. Họ nói nếu cất cánh họ bắn hạ.
* Bay ra USS Midway
Trên đường từ Côn Sơn bay ra USS Midway, Thiếu tá Thạnh xin họ hướng dẫn đường bay kẻo không đủ xăng nếu phải bay đi tìm. Họ hướng dẫn đường bay cho các ông. Các ông phải thuyết phục nhân viên an ninh và những người đang ở đó rằng các ông sẽ quay lại đón tất cả, nhờ vậy họ cho cất cánh, và có sáu chiếc trực thăng nổ máy. Thiếu tá Thạnh nói với mấy anh em phi công: “Các anh nhắm chở được bao nhiêu cứ chở”.
Thông thường một chiếc trực thăng chỉ chở được 11 người Mỹ, Việt Nam mình nhỏ con nên có thể chở 20 người là tối đa. Thiếu tá Thạnh kể tiếp: “Nhưng họ dồn lên máy bay của tôi 39 người. Nhìn trong máy bay toàn là vợ con, thân nhân của các phi công cả, nên tôi phải cố gắng không để lọt một ai. Trên hàng không mẫu hạm họ hỏi tôi chở bao nhiêu người? Tôi trả lời 39. Họ không tin, hỏi đi hỏi lại hai ba lần. Trước khi cất cánh, tôi đề nghị tháo bỏ các giá súng, và xin mọi người vứt bớt quần áo, đồ đạc mang theo. Sau đó mấy anh em cơ phi tháo cánh cửa cabin, tháo cánh cửa pilot. Tôi check lại thì thấy máy bay nhóm lên được, và vì đã bay trên 5.000 giờ bay nên tôi có kinh nghiệm, biết là cất cánh được.
“Tôi bay ra Midway ở cao độ 6.000 bộ và kêu các máy bay khác bay hợp đoàn theo tôi phía bên phải để khi gặp Midway thì đổi hướng sang trái đáp cho an toàn. Khi tôi nhìn thấy HKMH Midway, tôi báo với họ ‘I have you inside’. Khi vừa báo xong câu trên thì máy bay của tôi nổ một tiếng rầm và chết máy! Tôi check xăng chỉ còn đủ bay 20 phút nữa. Nhiều người trên máy bay khóc vì sợ hãi. Máy bay hạï xuống 3.000 bộ, rồi 1.500 bộ.
“Tôi sử dụng tín hiệu cấp cứu và từ HKMH, họ nhanh chóng cho một chiếc trực thăng lên tiếp cứu. Phản ứng tự nhiên và với kinh nghiệm của một phi công, tôi bình tĩnh tìm cách đáp nếu không được thì hạ cánh trên mặt biển. Tôi báo cho HKMH biết và họ nói họ đã chuẩn bị tiếp cứu.
“Trên máy bay lúc đó chỉ có một mình Thiếu tá Phố có chiếc phao đeo ở cổ còn ngoài ra không ai có...”.
* Trên HKMH USS Midway
Sau khi hạ cánh rất êm trên boong HKMH, Thiếu tá Thạnh được dẫn vào gặïp một sĩ quan không rõ cấp bậc, ông bắt tay chúc mừng và hỏi tình trạng an ninh chỗ vừa cất cánh. Ông Thạnh trả lời đó là đảo Côn Sơn, nơi giam giữ tù Việt cộng và bọn trộm cướp, nếu bọn này được thả ra thì sinh mạng của anh em quân nhân và vợ con họ rất nguy hiểm. Thiếu Tá Thạnh xin được bay trở lại Côn Sơn đón mọi người, nhưng viên sĩ quan này nói: “Việc của ông đến đây chấm dứt”.
Lúc đó ông mới bắt đầu lo cho vợ con có chỗ nghỉ ngơi trên HKMH.
Hai tiếng đồng hồ sau, ông sĩ quan này tìm Thiếu tá Trần Ngọc Thạnh và báo tin: “Hạm Trưởng đã cho tàu vào Côn Sơn đón tất cả mọi người ra đây. Tàu sắp tới chỗ chúng ta”. Thiếu tá Thạnh hết sức mừng rỡ, nắm chặt tay người sĩ quan hải quân Mỹ cám ơn rối rít.
* Lý do phải đẩy một số trực thăng xuống biển
Thiếu tá Thạnh giải thích: “Khi một số phi công của ta đáp xuống HKMH, đáng lẽ phải cho vào chỗ đậu đặc biệt để họ xếp cánh, nhưng anh em mình đậu tại chỗ rồi tắt máy, vì thế những chiếc đáp sau không có bãi đáp, buộc lòng họ phải đẩy bớt một số trực thăng xuống biển là vậy”.
* Đến Hoa Kỳ sớm nhất
Từ HKMH USS Midway họ cho qua một chiếc tàu khác cũng thuộc hạm đội này chở qua Subic Bay Phi Luật Tân.
Khi ở Subic Bay, Thiếu tá Thạnh đang đi tà tà thì gặp một anh trước đây là thông dịch viên cho Lôi Hổ nên biết ông. Qua câu chuyện, người thông dịch viên này cho biết, anh đang làm một chức vụ tương đối quan trọng tại đây và hỏi Thiếu tá Thạnh: “Ông Thầy có cần gì em giúp”, và anh này nói, “nếu ông Thầy muốn đi Mỹ nhanh thì nhớ làm theo lời em dặn”. Và Thiếu tá Thạnh làm đúng như lời anh thông dịch viên, nên đến phòng nào cũng rất nhanh chóng, không một trở ngại nào xẩy ra.
Văn phòng cuối cùng hỏi: “Bây giờ Thiếu tá muốn đi đâu, Arkansas, Florida hay Camp Pendlenton, California?”. Thiếu tá Thạnh xin đi California, và không phải chờ đợi lâu.
Ngày 8 tháng 5 năm 1975, ông đã đặt chân đến Hoa Kỳ. Có lẽ ông là một trong những người phi công VNCH di tản bằng HKMH USS Midway đặt chân đến Mỹ nhanh nhất.
Viễn Đông Daily
No comments:
Post a Comment