Eve TKH
LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.Bố hay đùa “Má con mà bỏ bố thì chỉ có dắt tụi con ra Bắc Mỹ Thuận ông đi qua bà đi lại” bởi má tôi hồi mới lấy bố dở lắm. Nấu nồi cơm không xong nói chi kho nồi cá. Ngày bố dắt má về ra mắt nội, nội chê “thích phải con không mồm không miệng” bởi má là con gái Nam Kỳ ít lời. Gặp nội chỉ biết dạ thưa rồi hết. Nội hỏi tới đâu má trả lời tới đó. Không khéo mồm như mấy cô Bắc Kỳ mà bà nội thích bố lấy.
Má kể có lần giận nhau, bố đùng đùng về nhà bảo bà nội rằng ông bằng lòng lấy cô Tuyết đen (cô tên Tuyết mà da đen xi – nội thích cô lắm vì cô học luật, giỏi nịnh bà lắm). Bà vội mừng qua nhà người ta ngỏ lời. Hai ngày sau bố làm lành với má, về không chịu đi nên bị bà chửi cho một phen tan tành.
Má là con út. Mất mẹ năm 6 tuổi nên tuổi thơ của má khá buồn vì thiếu tình thương của mẹ. Lấy bố, má bước qua từ cửa nhà trường vào cuộc sống gia đình sung túc, êm đềm. Nhà xe hai chiếc, vi vu cuối tuần nên má không bận tâm nhiều về cuộc sống bên ngoài cho đến ngày mất nước.
Những năm sau đó cuộc sống gia đình đảo lộn. Má từ người chỉ ở nhà chăm sóc con cái, nay phải quay 180 độ. Lật ngược thế bài, nhảy ra đương đầu với thời cuộc. Đưa bầy con 5 đứa vượt biên sang Mỹ khi bố bị đi tù.
Má nói qua Mỹ không biết làm gì nuôi tụi con, Má chỉ nghĩ giản dị xin lái taxi hay xe bus chắc được, không sao hết. Ngày mới qua Mỹ, ai nhìn má cũng ngán vì một mẹ năm con biết làm gì để sinh sống đây. Vậy mà má cũng làm được. Chưa đầy 3 năm sau má đã mua được căn nhà nhỏ với 2 phòng ngủ để mấy mẹ con ở. Nhưng rồi bố sang lại phải bán nhà ra thuê apartment 3 phòng. Lại phải làm việc nhiều hơn nữa để cho bố đi học lại 4 năm ròng cho đến ngày ông ra trường.
Hồi mới qua má đi may đồ mẫu cho hãng Sears nên tôi luôn được mặc áo mới. Quần áo chưa ra thị trường tôi đã có mặc, dạo đó hãng Sear vẫn là thương hiệu “sang chảnh” vì vậy khi đi lễ mặc đồ đẹp ai cũng tưởng má tôi chắc đem được tiền qua nhiều lắm. Hồi dọn nhà cũng vậy, mấy má con được bác tôi thuê cho căn condo một phòng gần nhà thờ nên đồ đạc trong nhà toàn qua nhà thờ xin về nhưng nhờ bàn tay khéo léo trưng bày của má nên cuối tuần nhà thờ nhóm đến thăm ai cũng ngỡ ngàng vì nhà quá đẹp. Vậy là tiếng đồn ra xa, họ nói chắc má tôi đem vàng, hột xoàn qua nhiều lắm!
Bận đi làm nên má dạy tôi lo việc nhà nấu cơm, trông em và dù làm việc gì cũng tuần tự lặp lại nhiều lần. Nhưng má chả bao giờ giận dữ. Má luôn có giọng nói không bao giờ cao hơn nốt mi, trong khi tôi giống bố hở ra là hét cao độ bể nhà.
Má tôi người Nam nhưng tính tình lại kỹ và khó hơn bố tôi người Bắc. Chắc má học từ bà nội, và bác tôi. Má dạy con gái đi đứng ăn nói nhỏ nhẹ, ngồi phải thẳng người, chéo nghiên chân để tay lên đùi đàng hoàng. Chỉ tội má dạy bao nhiêu tôi đều đi ngược lại. Chỉ có em Tường là giống má. Khi dọn bàn ăn má đều bắt tôi phải đủ bộ. Chén trên dĩa, đũa ra đũa, muỗng nĩa đâu ra đó, không được sọ cái này qua cái kia. Nấu ăn má cũng chỉ từng ly từng tí có điều tôi hậu đậu vô bếp đụng đâu bể đó. Má tập hoài cũng không sửa được. Nhưng rồi má lại an ủi, thôi không biết đỡ khổ, mai này đỡ cực thân. Mỗi ngày má đi làm về chỉ 20 phút là có bữa cơm được dọn ra tươm tất. Bởi đồ ăn rau cải, thịt thà Chúa Nhật má đi chợ về rửa sẵn sàng, thịt thì ướp xong để trong tủ, về chỉ lấy ra xào nấu là xong. Má chỉ tôi những gì cần làm khi đi học về là nấu nồi cơm dù lần nào thay đổi bao gạo là tôi sẽ cho ra lò ba hôm cơm nhão, cơm khô, cơm sống, rồi xong mới được cơm ngon. Vậy mà má vẫn kiên nhẫn chỉ dạy tôi, không bao giờ nghe má la lối om sòm.
Năm mới qua Mỹ, dĩ nhiên một mẹ năm con chính phủ chu cấp đủ thứ nhưng có lần lên phỏng vấn gặp một bà người Việt, hỏi lắt léo rằng má tôi có giấu tiền ở nhà không? Sao mới qua ba năm đã mua được nhà? Má ghét, quăng tập hồ sơ lên bàn nói, mua nhà down có 5 ngàn, bà coi hồ sơ sẽ thấy. Cho thì cho, không thì thôi! Chả biết sao, hai năm trời họ vẫn cho tiền đi chợ. Sau này kêu lên phỏng vấn tiếp má không đi. Má nói thôi không cho thì ráng ngồi may thêm mấy tiếng về đêm nữa là xong. Đi lên xin chi cho nhục.
Mấy năm bố chưa qua, má đi làm rồi lãnh đồ về nhà may thêm. Đêm đêm tôi ngủ vẫn nghe tiếng máy vắt sổ kêu rè rè bên tai riết cũng nghiền, đến nỗi khi máy tắt thì tôi hay tỉnh ngủ. Lúc nào má cũng vô giường vò đầu từng đứa một xong mới lên giường ôm em út ngủ. Những năm đó tôi nghĩ má chỉ ngủ được 4, 5 tiếng một ngày là cùng.
Bố sang cũng chẳng gánh vác được nhiều, vì bố phải đi học lại. Đêm đêm tiếng máy may rò rọ vẫn chạy đều đặn. Rồi má ra mở hãng may – lấy thẳng đồ từ hãng lớn đưa về chia cho người ta mang về nhà may. Có hôm chú lái xe lớn giao đồ cho hãng bị bịnh, má phải tự lái xe truck to đùng đi giao hàng.
Rồi hãng càng lớn thì má càng bận rộn thêm nhiều. Tiền bạc làm trội hơn lương kỹ sư của bố, vậy mà lúc nào việc lớn nhỏ trong gia đình má cũng nói “để hỏi bố con đã.” Dù bận rộn đến đâu, bữa cơm trong gia đình vẫn không bao giờ vắng bóng má.
Tôi lấy chồng sinh con. Đứa con nào cũng được má tôi chăm sóc, ngủ với ngoại từ nhỏ bởi má sợ tôi không biết chăm con. Mà thật tôi sợ làm rớt con lắm. Không có má chắc tôi chẳng dám có đứa nào.
Tôi nghĩ má tôi là một người mạnh mẽ, dù bà đi đứng, ăn nói luôn nhỏ nhẹ, không hay la rầy con cái cũng không bắt buột đứa này phải học hành thành ông nọ bà kia. Má nói miễn sao sống khỏe và hạnh phúc là má yên lòng.
Giờ má tôi đã già – bà gần 80 tuổi nhưng vẫn vi vu lâu lâu lái xe chở bạn bè đi casino chơi cùng. Bà vẫn có thể bấm iPhone chơi Facebook, ở một mình một cõi và hay nấu cho tôi ăn những món tôi thích.
Khi tôi ở bên má, tôi không thấy mình lớn. Tôi vẫn ôm má nằm kế bên, mân mê cách tay mát rượi của bà như ngày tôi còn bé.
Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc vì vẫn còn má và khi buồn chạy qua nhà má để được ăn những món bà nấu.
Mỗi ngày tôi đều cảm tạ Chúa đã cho tôi được làm con của Má. Cái vinh dự ấy mấy ai có được nè.
(Eve TKH)
No comments:
Post a Comment