Tuesday, May 15, 2018

Vô Lượng Tấm Lòng.. Người Mẹ-Người Vợ Việt Nam

Dẫn Nhập: Nhân Ngày Hiền Mẫu- Mother’s Day, người viết được phép nhắc nhở một điều mà thoạt nghe qua, khi vừa nói đến, phần ông chúng ta thường xem như sự việc bình thường, điều hiển nhiên.. Nhưng thật ra đây là nguồn năng lực bền chặt cố kết, sức mạnh gìn giữ, niềm an ủi nâng đỡ của bất cứ con người nào (cho dẫu cá nhân ấy thủ đắc tài năng, chức tước, quyền lực to lớn đến đâu – Lẽ tất nhiên, những người cứng lòng chối từ điều cảm động thắm thiết nầy (trường hợp những kẻ cầm quyền độc tài thuộc các chế độ vô thần, bất nhân..) lại là một vấn đề khác) trong tất cả mọi hoàn cảnh, giai đoạn của cuộc sống - Tình Mẹ của Người – Cảnh sống càng khó khăn, khắc nghiệt, Tình Mẹ càng thắm thiết cấp thiết đối với mỗi người qua từng ngày vượt sống.
Một.
Người viết không có ý trình bày điều văn hoa chữ nghĩa thường dùng trong những buổi sinh hoạt, hội họp có tính cách tính xã giao, nghi thức.. Chúng tôi nay kể về Mẹ như một Ân Tạ Vô Cùng – Vì chỉ Con Người (mới có khả năng hiện thực đầy đủ Tính Năng- Tình Thương yêu của Thượng Đế nơi trần thế) qua cơ duyên thụ lãnh suối nguồn phúc lộc vô lượng Tình Mẹ/Cho Người. Điễn hình Người Mẹ Việt Nam xuyên qua thống khổ không cùng của cuộc chiến hủy diệt; cảnh đọa đày di tản sau 30/4/75 khi tiếng súng chấm dứt; thân phận bị tan nát trầm luân bởi một chế độ xã hội khinh miệt, bất nhân, vô đạo trên quê nhà.. Và nếu vượt thoát ra khỏi nước, tiếp rơi vào cảnh huống lạc lõng, đơn độc, yếu đuối từ những ngày đầu nơi xứ lạ. Nhưng Mẹ vẫn vĩnh  hằng tồn tại bền bỉ như thân cây tùng, bách, như lũy tre ấm áp che chở dẫu cho phải hứng chịu muôn trùng gió bão. Mẹ luôn là chỗ tựa vững chắc, sức nâng đỡ cho Người từ, với năng lực vô hạn Thương Yêu. Quả thật, Người Mẹ Việt Nam điển hình cho tất cả những bà mẹ muôn thuở là Một Nhiệm Mầu.
Nầy đây, hãy tưởng cảnh người mẹ gánh con nhỏ băng qua cánh đồng cát cháy trong những ngày khởi cuộc binh đao năm 1945, 46 ở một nơi nào đó trên quê hương..
Mẹ gánh con chạy loạn dọc triền sông
Băng đồng trống
Rung rẩy tiếng bom
Chập chờn lửa lớn
Cây trên cật oằn thân đau đớn
Lay lắt cành gai
.. ..
Mẹ qua thống khổ
Dưới một góc trời
Một ngày năm hai- mươi mốt tuổi
Trên quê hương vô lượng
Nỗi chết không rời
Cảnh tượng bi thương như trên mới chỉ là khởi cuộc, không riêng cho Người Mẹ khốn khổ ở Vĩnh Phú, Bần Yên Nhân (miền Bắc); Gio Linh, Lao Bảo (miền Trung); hay An Phú Đông, Vàm Cỏ (miền Nam).. mà là chung cuộc điêu linh  chung lần thảm thiết của tất cả những Người Mẹ vào lúc nguy nan chỉ biết che thân con bằng chiếc nón lá, bày ra mảng tóc khô se, đầu trần dội tràn nắng lửa, suốt chín năm chinh chiến 1945-1954. Và giá như sống sót qua lần “chạy giặc” của trận chiến chín năm kia lại tiếp tục tất tả vượt Đường Số 5, quá ga Hải Dương trên những chuyến xe lửa vang ầm tiếng nguyền rũa của đám cán bộ cộng sản mới nhập thành; hoặc băng tràn bãi biển Đồ Sơn, đạp lên lớp sóng dữ để đưa con về Miền Nam hiện thực một điều không hề nói ra lời – Được là Người Sống Tự Do.
Hai.
Thời gian bình an nơi Miền Nam không kéo dài được lâu, 1960 lửa nổi dậy và người phải đứng lên cầm súng – Những người với tính nhân bản tự nhiên không chịu khuất phục cách đàn áp vô luân, những chữ nghĩa khẩu hiệu ác độc dậy nên từ một chủ thuyết vô cùng xa lạ với tâm hồn người Việt. Năm 1961 chiến tranh đã là một thực tế thương tâm, và người đàn bà, Người Mẹ – Người Vợ Việt Nam lại tiếp tục lần nước mắt tuôn chảy..
..Người vợ trẻ lên đơn vị tìm chồng
Qua bản tin chiến trận mơ hồ
Lạnh lùng số lượng người mất tích, thương vong
Tràn lềnh trang nhật báo..
Ảnh chiếc trực thăng chao nghiêng
Bao xác chết rũ thòng
Tim nhói đau
Môi cắn sâu
Nín khóc.
Bởi tất cả đã là vô ích.
..
Mẹ vào nghĩa trang
Chân bước lặng thinh
Hàng quan tài đóng chặt
Màu Cờ Vàng buồn rũ
Ba Vạch Đỏ thắm tươi máu ứa
Xác nào của chồng
Thây bên cạnh không người thân đến nhận
Địa ngục hiện đủ mười tầng
Trên những khăn tang xổ tung tóc rối
Mộ phần chiều mưa sênh sếch máu người
Sôi lửa âm âm với Cơn Đau vô lượng
Từ trái tim!!
Ba.
Và nếu có được "ân huệ" tưởng chừng như không thật: Sống sót sau những trận lửa Mậu Thân 1968, Hạ Lào 1971, Mùa Hè 1972.. để cuối cùng buổi kiệt cùng gãy súng, hỗn loạn vỡ bùng dài theo miền Trung, kết thúc tại Sài Gòn với lần hấp hối thật chết quê hương. Người con, người chồng điêu tàn trở về cùng bóng tối, lưng trần nát tan không áo trận, chiếc quần ngắn nhục nhằn, thảm hại, chân nứt nẻ bởi đôi giày đã buộc phải tháo bỏ từ giờ tan quân. Sau 30 tháng Tư 1975, tại Miền Nam, theo như chính sách gọi là “khoan hồng nhân đạo” của chế độ cộng sản, những người thuộc gia đình “Nguỵ quân, Nguỵ quyền”, những người có dính líu với “chế độ Mỹ-Nguỵ”, kể cả những người làm công trong các căn cứ Mỹ, có nhà cho Mỹ kiều mướn ở những năm 65-75.. Tất cả thành phần nầy, nghĩa là “toàn bộ thị dân miền Nam” đồng loạt bị đánh giá là “kẻ thù của nhân dân”. Danh sách tổng hợp nầy xếp chung thành một loại “tiện dân” mới với hạng thứ 13 trong 14 giai tầng xã hội. Loại cuối đáy thứ 14 kia là bọn giết người, cướp của với trường hợp gia trọng, đang chờ ra pháp trường hoặc án tù cấm cố chung thân. Liệt kê hàng đầu của danh sách thứ 13 kia là những thân nhân trực hệ của người đang trong các trại tập trung – Gia đình của tập thể Quân-Dân-Cán Chính của VNCH đang chịu phần trực tiếp bách hại. Và tiếp theo, có một chính sách rất mực hèn hạ được chế độ cộng sản cầm quyền áp dụng để thực hiện món đòn thù lên những người đàn bà, những đứa trẻ không chút liên hệ chính trị nầy: Từ những cuốn sách với một lối hành văn xỏ xiên, đểu cáng (đặc chất và đặc thù của những tay làm “công tác văn hoá” Hà Nội chuyển vào Nam) như "Tháng Ba Tây Nguyên" của Nguyễn Khải, văn công Hà Nội trước sau 1975, đến cách đuổi nhà, hôi của chước “ăn cướp ban ngày" gọi là ” cải tạo công thương nghiệp, đi xây dựng vùng kinh tế mới”; hoặc chính sách “Ba Cùng: Cùng Ăn. Cùng Ơ. Cùng Làm”, kỹ thuật xâm nhập vào đời sống gia đình người Miền Nam (Đã thực hiện một lần có hiệu quả với gia đình nông dân, phụ nữ Miền Nam trước ngày bộ đội cộng sản tập trung ra Bắc Vĩ Tuyến 17, theo điều khoản Hiệp Định Genève 1954) để hoàn tất bước đường “thực dân-nô dịch-cộng sản hóa Miền Nam” theo kế sách gọi là “xã hội chủ nghĩa” thực hất chỉ là một kế hoạch "cướp ngày" của cộng sản miền Bắc lẫn miền Nam! Nhưng tất cả mưu định hiểm ác ti tiện chính trị-xã hội của chế độ bất nhân gọi là "cải cách cách mạng xã hội chủ nghĩa" kia đã hoàn toàn bất tác dụng đối với tấm lòng kiên trinh sắc son cao thượng của Người Đàn Bà Trung Liệt Miền Nam.
       .. Hấp hối chết Sài Gòn
         Giờ vỡ tan đất nước
         Người chồng/Đứa con trở về cùng bóng tối
         Tấm lưng trần nhục nhằn không áo trận
         Gót chân nứt, quần ngắn rách hở hang
         Đây ...
      Anh về với em!
      (Con về với Mẹ!)
      Lần cuối cùng, cũng cuối đời thê thảm
      Với trái tim vô hồi thấm mệt
     Hết tuổi trẻ dài hai mươi năm chinh chiến      
         Cuối triệt âm..
         Ôi Mẹ!
         Tiếng vô lời.
Sau 1975, Người Mẹ/Người Vợ của những gia đình miền Nam phải tự thân chiến đấu để tồn tại cho bản thân mình; thứ đến, họ phải giữ vững gia đình với đàn con đang tuổi lớn bị thiếu đi hẳn phần có mặt tối cần thiết của người cha; và cuối cùng - Những Người Đàn Bà Trung Liệt ấy chính là và phải là nguồn nâng đỡ , gìn giữ, và hy vọng cho kẻ cùng khổ nơi xa- Những người con, người chồng sau cánh cửa tù ngục, hàng rào trại tập trung từ rừng miền Nam trải dài ra vùng Việt Bắc. Từng đoàn đông đúc những Người Mẹ-Người Vợ ra đi từ Miền Nam với những giỏ, xắc đựng những món quà cứu đói - Cũng là khẩu phần chiết giảm, giành dụm của toàn thể gia đình sau hằng tháng ngày dài túng thiếu. Chen chúc trong những chuyến tàu lửa “kinh hoàng” với những đám hành khách buôn hàng tàu chợ lềnh đục tiếng lời chưởi thề hạ tiện tục tĩu, thứ ngôn ngữ đặïc thù chính thống của “xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến”, gồm những tay cướp dọc chuyên nghiệp, những kẻ đâm chém thiện nghệ. Nếu không bị cướp dọc đường, nếu không bị trấn lột nhiều lần trong suốt chiều dài di chuyển qua “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, họ sẽ đến một nhà ga tan nát nào đấy ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà-Nam-Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây..
Con đường từ ga Thanh Hóa vào các trại tù Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng năm-chục cây số đường chim bay; đây là đường thượng sơn nối vùng núi non thượng lưu sông Đà, dẫn lên mạn Lai Châu, Yên Bái, Nghiã Lộ, Điện Biên Phủ, hành lang thông qua vùng Trung và Bắc Lào. Đường hiểm trở chạy quanh co giữa những rặng núi đá vôi dựng nên hệ thống trường thành, một trở ngại thiên nhiên vô cùng lợi hại mà ngựa Mông Cổ Thế Kỷ 13 dẫu dẫm nát toàn cõi lục địa Á, Âu vẫn không thể nào xâm nhập được. Thế Kỷ 15, đạo binh xâm lược Nhà Minh đang ở đỉnh cao cường thịnh cũng không thể bén mảng vào đến những căn cứ địa Lam Sơn, Chí Linh của nghĩa quân Lê Lợi. Xe thiết giáp bọc sắt của Quân Đoàn Viễn Chinh Pháp trong chín năm 1945-1954 cũng đành thúc thủ dưới đồng bằng. Dẫu kể đến biệt kích Mỹ với vũ khí tối hảo, yểm trợ tuyệt đối cũng không có cơ may đổ bộ, tấn công vào khu bất khả xâm phạm do vị thế thiên nhiên nầy. Và bản thân những lính bộ đội cộng sản, trong những ngày kháng chiến vệ quốc chưa lộ mặt (1946-1954), vẫn phải ngã gục trên đoạn đường gai góc.. Nhưng Người Mẹ/Người Vợ ra đi từ Miền Nam với những lượt xe lửa, xe trâu, xe bò, xe thồ lẫn chân trần cuối cùng vào đến các cổng trại tù (nơi những trại giam giữ người thân) với bàn chân rướm rách nứt nẻ máu, những cách tay tê mõi, trầy trụa do phải mang vác khối quá nặng dài đường xa nếu như họ thoát khỏi cách “dàn dựng” ghê tởm ác độc của những trò cướp giật, hiếp, giết phanh, xé, xóa bỏ tung tích thây xác do đám côn đồ, cướp cạn dọc đường đi (có sự đồng lõa bởi đám công an, bộ đội địa phương – Hoặc chính là thành phần cán bộ ngụy trang). Vào đến trại, họ lại phải đối phó với một hệ thống cán bộ trại sẵn sàng “ăn có” đồ thăm nuôi và tìm cách hạ nhục xuyên qua áp lực “để được phép gặp mặt con; gặp mặt chồng”. Nhưng Người Đàn Bà-Người Mẹ– Người Vợ Miền Nam vẫn sắc son một niềm chung thủy – Họ thật đã là những người chiến thắng cuối cùng để nói cùng chồng, cùng con trong năm mười phút thăm nuôi, lời trung hậu đơn giản cao thuợng: “Anh yên tâm, ở nhà có em lo”;  hoặc: “Con cố gắng học tập.. Mẹ còn sống ngày nào, Mẹ không bao giờ bỏ con.” Có người đã đi như thế nhiều lần trong suốt hơn mười năm bằng đủ số lượng tháng, năm người con, nguời chồng lâm nạn.
       Em theo anh đến cửa trại tập trung
      Con nhỏ trên tay thấm cơn đau rũ xuống
      Dẫu bé bỏng cũng thấm hiểu sâu tình huống
      Biệt ly này ...
      Sự chết vô hình lạnh sắc từ tim
      Bé đau thương liệt sức đề kháng im lìm
      Khua tay nhỏ bâng quơ ngong hơi bố
           
       .. Nhà trống trơn, bàn ghế chỏng chơ
      Bóng lạnh bặt
      Bát, soong ngổn ngang rơi vỡ
      Con chó đói nhớ hơi chủ cũ
     Thấy lạ lùng vắng bặt của thân yêu
Thấp thoáng ngoài sân vàng vọt nắng qua chiều
      Thấy cái chết rõ ràng trong ráng đậm
         
      ..Em đứng bên hàng rào, trên bãi bom
      Căm căm ngóng dạng chồng
Chập choạng đoàn tù đông lềnh đen hơn rừng thẳm
     Mẹ ôm con ngồi rũ
     Giữa ô cao su mưa gió mênh mông!
           
     ... Mười năm trời lên đất Bắc xa xăm,
     nơi những cổng trại lạnh lùng
    Đỉnh núi xám nhòa tầng mây bất tận
    Lam Sơn, Thanh Cẩm, Quyết Tiến “Cổng trời”,
    Vĩnh Phú, Hà Tây
Ôi thật chết tại dăm phút "thăm nuôi" chóng vánh           
Kết Từ
Cuộc chiến đấu im lặng, bất tận nghiệt ngã trên tiếp nối dài khi ra đến đất lạ.. Không nghề nghiệp chuyên môn; học vấn, bằng cấp không có; ngoại ngữ không biết; đường xá xa lộ Mỹ là một hỗn trận đe dọa!! Thế nhưng họ lại vào trận với một nghị lực tưởng như của một ngoãi hạng siêu nhân với  vóc dáng bé nhỏ, yếu đuối - Như đã một lần. Như đã nhiều lần trên quê nhà trước, sau 1975. Và tiếp tục hằng ngày nơi đất Mỹ, Pháp, Canada, Úc.. Dẫu ngày 30 tháng Tư 1975 đã quá xa  nhưng dấu ấn khổ đau vẫn hằng hằng tồn tại. Câu chuyện “huyền hoặc” sau đây hiện thực điễn hình với Bà Hoàng M,  Chị Võ Thị Mg, Mẹ của 8 người con năm 1975, và nay gia đình nâng “quân số” nên thành 28 người con, cháu. Bài viết không nói về Người Chồng – Trung Tá Hoàng M. một trong những sĩ quan xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với 20 huy chương Nhành Dương Liễu Tuyên Dương cấp Quân Đội, không kể 28 Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh khác với ngôi sao Vàng, Bạc, Đồng.. Chúng tôi cũng không nói những huân chương cao quý Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ và Đệ Tứ Đẳng mà ông đã được trao tặng trong trong trận chiến giữ nước suốt mười năm tuổi trẻ từ 1965 khi tốt nghiệp Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt. Chúng tôi tường trình về nỗi âu lo im lặng của Chị Võ Thị Mg suốt từng đêm thắt thỏm dài theo tuổi trẻ..  Khi trận chiến Mậu Thân, 1968 lên đến cao điểm ở Thành Phố Huế dày đặt thây chết của người dân vô tội, và quân cộng sản đã chiếm một phần thành nội, khu Gia Hội mà tin người chồng vẫn biền biệt trong cơn lửa đạn. Chị chờ đợi từng ngày dài theo chiến dịch Hạ Lào, Lam Ssơn 719, thuộc lòng tên từng căn cứ hỏa lực Lolo, Tchépone; Chị tê liệt nghe tin Quảng Trị di tản tháng 4, 1972 và Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 3 của người chồng đâu trên đầu tuyến lửa Bastogne, Checkmak.. Và Chị thấm đủ mối lăng nhục kinh hoàng sau 30 tháng Tư, 1975, khi người chồng vào trại tập trung, và đơn thân ở lại nơi Sài Gòn với 11 người con bị vất ra khỏi trường học do lý lịch "phản động" từ, của người cha. Năm tháng dài vượt sống-nuôi con-nuôi chồng bằng nghề “bán ve chai” dầm thân nắng cháy ở Sài Gòn.. Tiếp mười bốn năm đất Mỹ làm một ngày tám giờ, từ thuở mới nhập cư (1993) làm hai job với  12, 16 tiếng. Người – Bất cứ con người nào luôn phải chịu hạn chế bởi sức lực, khả năng (tinh thần và vật chất) của thân xác, tâm chất của mình – Nhưng có những con người bình thường (rất bình thường) vượt qua tất cả mọi giới hạn bản thân với nguồn Ân Lộc Vô Lượng: Tính Yêu Thương của Mẹ- Con/Vợ-Chồng. Rất nhiều. Vạn, triệu Người Mẹ-Người Vợ Việt Nam của nhiều thế hệ hiện thực điều nầy theo cách bình thường, rất tự nhiên.
Viết thế nào cho đủ, nói thế nào cho cùng Vô Lượng Tấm Lòng Người Mẹ/Người Vợ Miền Nam.       
Đất Mỹ, Bốn-mươi ba năm sau,
(30 tháng Tư 1975-2018)
Phan Nhật Nam

1 comment:

  1. .. Hấp hối chết Sài Gòn
    Giờ vỡ tan đất nước
    Người chồng/Đứa con trở về cùng bóng tối
    Tấm lưng trần nhục nhằn không áo trận
    Gót chân nứt, quần ngắn rách hở hang
    Đây ...
    Anh về với em!
    (Con về với Mẹ!)
    Lần cuối cùng, cũng cuối đời thê thảm
    Với trái tim vô hồi thấm mệt
    Hết tuổi trẻ dài hai mươi năm chinh chiến
    Cuối triệt âm..
    Ôi Mẹ!
    Tiếng vô lời.

    ReplyDelete