Hôm nọ thấy bà ngồi ngâm chanh đào ngoài sân. Bà nói mỗi một lát chanh sẽ giúp cổ họng ông dễ chịu qua một đêm dài. Bà hay dậy sớm, ngày của bà thường bắt đầu từ lúc nửa đêm. Sống bên ông bao nhiêu năm là từng ấy mùa lạnh bà thắt lòng nghe những cơn ho. Nằm không ngủ được, bà dậy đun nước pha một cốc mật ong ấm cho ông.
Lúi húi mở tủ tìm quần áo ấm khâu khâu, vá vá. Lật lại cuốn album ảnh gia đình, thấp thỏm không biết ở nơi xa các con có lạnh không. Đêm ở phố bao giờ cũng dài hơn với những người già. Lẩn thẩn chuyện trò với chính mình cũng tưởng rằng bận bịu. Ở quê nhà xa xôi bố mẹ tôi hẳn cũng vừa tỉnh giấc.
Ngoài phố đêm hàng cháo sáng đã bắt đầu mở sớm hơn. Chị bán cháo hình như tên Nụ, búi lại tóc gọn gàng để bày biện đống đồ lỉnh kỉnh. Chị một mình xoay xở nuôi bố mẹ già và hai đứa con ăn học.
Năm ngoái chị ốm một trận thập tử nhất sinh. Số vốn liếng ít ỏi dành dụm được cũng không đủ thuốc thang. Đến căn nhà chật chội chui ra chui vào chị cũng phải bán đi. Hình như gia đình chị được người quen thương tình cho ở nhờ trong căn nhà nằm sâu ngõ cụt.
Tất cả những điều đó tôi chỉ nghe người ta kể lại. Nhưng có một câu tôi nghe từ chính chị: “Còn người là còn nồi cháo ấm. Còn kiếm kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Nợ nần rồi trả dần. Trời thương người khó”.
Ngày gió mùa về, những người lao công co cụm lại bên nồi cháo nóng. Bếp than không đủ ấm nhưng vài ba câu chuyện cuộc đời cũng giúp họ bớt đi lạnh lẽo. Cháo nấu ngon, chị lại chiều khách, thái thêm chút hành hoa cho người sụt sùi muốn cúm, thêm ít ruốc, quả cà cho từng vị khách quen.
Mấy bác thồ hàng thuê chợ đêm chỉ cần chút cháo trắng húp cho ấm bụng. Gánh cháo nghèo thương khách nghèo. Vài nghìn một bát cháo trắng nhưng khối người nợ đến cuối tháng trả một thể chị cũng vui vẻ gật đầu.
Một sáng chớm đông, tôi dậy sớm mở cửa ra đường, thấy chị ngồi ngủ gục bên gốc bàng già. Gió vun đám lá khô thành đống ở góc tường. Chiếc nón lá chị đội đã thâm sì màu mưa nắng.
Đêm gió mùa thao thức nằm nghe những âm thanh thường nhật trong phố. “Ai xôi khúc nào...”, tiếng rao khản đặc rồi mất hút. Rồi lại thình lình vang lên đâu đó trong những ngõ ngách lắt léo. Hình như có tiếng mở cửa đợi mua xôi.
Tiếng rao im bặt vài phút, đủ để tôi mường tượng ra cảnh người mua co ro trong chiếc áo khoác mỏng manh, người bán vội vàng mở thúng xôi ấm nóng cẩn thận xới. Mùi xôi thơm cồn cào trong mường tượng.
Tiếng xe thồ lọc cọc chở thuê vật liệu trong đêm hình như vừa rơi vãi đâu đó vài hòn sỏi. Tiếng bước chân nặng nhọc. Tiếng thầm thì gọi nhau. Tiếng người chủ càu nhàu giục bước nhanh “kẻo sáng đến nơi rồi”.
Bà cụ bán hàng tạp hóa ở nhà đối diện thường thức rất khuya để mong bán vài gói mì, vài quả trứng gà, ít dưa cải cho người lao động đêm, chắc chẳng phải vì vài đồng lãi ít ỏi mà bà thức đợi mà biết đâu là vì chờ những tiếng người cho bớt đi cô quạnh. Bà thường để hàng hóa lộn xộn, bới tìm rất lâu, đủ để nấn ná hỏi thăm nhau vài ba câu chuyện.
Người lao động thường là ở quê ra tranh thủ kiếm việc làm thêm lúc nông nhàn. Nên bà cụ thường hỏi họ vụ này cấy mấy sào, được mùa không, có đủ ăn không. Khách nhiều khi cũng bị kéo vào câu chuyện của bà lão cô đơn, bèn ngồi xuống bàn, xin ít nước nóng ủ luôn bát mì với trứng.
Bữa ăn đêm nhẩn nha chuyện con mèo mẹ mới đẻ bốn con, nhà chật quá nhưng mang cho không nỡ, chuyện đứa cháu hẹn chủ nhật về thăm bà mà không thấy về, chuyện sau nhà có nuôi một cặp gà tre “hôi hám lắm nhưng để gáy cho vui, chuyện vết sưng tím dưới chân là do vấp trong nhà bếp bị hỏng bóng đèn mà “lâu quá không có ai nhờ thay”.
Tôi nghe đến đó thì giật mình bởi tiếng con ngủ mơ ú ớ. Trong lúc quay lại ôm ấp vỗ về con, hình như tôi nghe thấy ai đó vừa hứa sẽ thay cho bà cụ chiếc bóng đèn bếp hỏng...■
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment