Hôm ngồi sau xe Thái trôi qua cây cầu bắc ngang sông, Hiên nói nhỏ:
-Sau này chết em muốn được về yên nghỉ ở quê nhà.
- Ừ. Anh biết.
Giọng Thái trầm ấm vừa buông ra đã theo gió theo sông trôi mất hút. Chỉ còn đọng lại chút ít nơi ngọn tóc đang bị gió quê nhà hút căng lại phía sau như cột kéo, như giằng níu. Quê nhà của Hiên đã nằm lại bên kia sông, chỉ cần quay xe chạy năm phút là có thể đứng ở nơi thân thuộc. Ấy vậy mà Hiên nghe lòng hụt hẫng như vừa bước sang một thế giới khác, nhìn lại đằng sau chỉ toàn thấy sương mù. Xe vẫn trôi miên miết qua cánh đồng rồi lại đổ những khúc cua dài lúc đi qua vách núi. Đường từ đó về V dài hơn hai trăm cây số, đủ làm tay chân tê dại, lưng gù xuống vì mỏi và đầu óc nhức buốt vì gió quất. Suốt đường đi Hiên cứ tự chất vấn “mình còn phải đi bao nhiêu chuyến hành trình mệt mỏi thế này?”. Mà biết đâu đấy, có thể sau này muốn cũng không còn nhiều cơ hội để trở về. Như chiếc lá rời cành lựa theo chiều gió mà bay. Bay xa đến mức không còn biết đường tìm về nguồn cội. Thái nói nhỏ: “Em cứ gục đầu vào vai anh cho đỡ mệt”. Thái ơi, giá như anh đừng quá ân cần thì có lẽ đời Hiên đã chẳng phải day dứt vì thương yêu như thế.
Nơi Hiên đến là thành phố cảng. Những chiếc xe container nối đuôi nhau chạy vừa ầm ĩ vừa nhẫn nhịn. Nhìn từ xa chẳng khác gì đàn kiến thợ kềnh càng bò trên phố. Hiên luôn nghĩ ở nơi này chẳng có gì thi vị để nhớ nhung. Làm sao bù lại những cánh đồng vàng thơm hương lúa, những con đường xanh mềm như thảm lụa mà Hiên đã gật đầu đánh đổi. Từ khi chuyển đến đây, Hiên không có giấc ngủ nào yên tĩnh. Thanh âm hỗn tạp của xe cộ máy móc chui vào trong giấc mơ bé nhỏ. Ký ức và thực tại luôn là cuộc chiến không hồi kết hỗn loạn và tang thương qua từng đêm một. Hình ảnh những chiếc xe to lớn lầm lì chạy qua cánh đồng cán bẹt lúa non. Tiếng xe container khiến bầy cào cào điên loạn bay lên tung những chiếc càng sắc nhọn cào nát cả trời chiều. Có đêm Hiên bàng hoàng tỉnh giấc, mắt mở trừng trừng nhìn mái nhà trọ thấp tè. Cảm tưởng như trong bóng đêm trần nhà không còn là vật vô tri. Mà giống như một con quái vật đang dần tiến về phía mình. Đêm nào Thái cũng trực xuất hàng ở cảng, thành ra Hiên phải đối diện với bóng đêm hiện hữu. Nhiều hôm ngồi chong đèn chờ trời sáng, Hiên tự hỏi Thái mang mình xuống đây để làm gì?
Có đêm Hiên cầm điện thoại lên lưỡng lự bấm số. Chỉ cần nhấn nút gọi thôi là sau những hồi chuông dài sẽ nghe thấy giọng mẹ vang lên. Nhưng lần nào Hiên cũng tìm được lý do để kiềm chế ý định điên rồ ấy. Giờ này ở quê mọi người đều đã ngủ say giấc. Tiếng điện thoại có thể phá tan giấc mộng lành bằng nỗi bất an kéo dài chỉ vài giây mà như dài bất tận. Bây giờ là mùa gặt, mẹ chắc hẳn đã đau nhừ người sau một ngày cực nhọc. Mẹ còn không có thời gian để ngủ thì Hiên sao nỡ quấy rầy bằng nỗi nhớ nhung này. Cũng có hôm Hiên nghĩ chỉ cần nghe tiếng mẹ cất lên là bao nhiêu nỗi lòng sẽ bật trào thành nước mắt. Nửa đêm mà khóc lên thì biết phải dỗ dành nhau bằng cách nào đây. Hai mẹ con Hiên đều rất vụng về, người này thấy người kia khóc sẽ chẳng biết làm gì ngoài im lặng. Để rồi sau đó lại dằn vặt vì sự im lặng đó. Thôi thì thuyền theo lái gái theo chồng, có nhớ nhung gì cũng giấu kín trong tim. Mẹ cũng một đời chôn sâu phận làm dâu trong dáng gù lưng cúi đầu lam lũ. Huống hồ Hiên được sống trong sự yêu chiều của Thái. Mà mấy ai không mang vác trên vai nỗi cô đơn, nào chỉ mình Hiên.
* * *
Hiên sợ mình trở nên vô nghĩa trong cuộc đời của Thái. Nên thỉnh thoảng hỏi một câu rất vu vơ. Dỗ dành phụ nữ rất dễ, chỉ cần làm họ thấy yên tâm. Thái bảo “em như người gõ chuông, thức tỉnh anh khỏi cơn mộng du mụ mị”. Hiên cười, Thái nào có mộng du. Sáng sớm đi làm về chưa kịp ăn đã lăn ra ngủ. Suốt 8 tiếng đồng hồ nằm nguyên một tư thế, mùa đông hay mùa hè mồ hôi cũng rịn ra lấm tấm. Tỉnh dậy là lôi cuốn sổ ra tính toán. Tiền có bấy nhiêu thôi mà ngày nào Thái cũng tính, còn thiếu bao nhiêu để mua đất, phải vay bao nhiêu mới có nhà. Hiên ngồi thái chuối xanh, dứa xanh, dưa chuột thành từng miếng nhỏ để ăn món cuốn. Không nhìn cũng biết chồng đang rầu rĩ chuyện tiền nong. Nếu Hiên không phá tan bầu không khí im lặng đó thì chỉ chút nữa thôi sẽ nghe thấy tiếng Thái thở dài. Đàn ông mà thở dài nghe não nề lắm, Hiên chẳng muốn thấy chồng khổ sở vì miếng cơm manh áo. Đủ sống là được rồi, giàu nghèo cũng vậy thôi. Chết có mang được xuống mồ đâu mà tha thiết. Thái bảo nói như Hiên thì xã hội này sao phát triển nổi. Phải phấn đấu để mỗi ngày sẽ được sống tốt hơn. Sống tốt hơn thì ai chẳng muốn nhưng có cần phải đau đáu thế không? Cần chứ, người ta sống trong nhà cao cửa rộng, mùa đông không gió lùa mùa hè thì mát rượi. Còn mình sống chật chội, tù túng lại còn phải tính toán chi li đến từng buổi chợ. Sau này có con rồi không lẽ mua sữa cho con cũng phải đắn đo? Hiên ngồi vò mớ rau sắn mới hái ngoài hàng rào nhà chủ, trong đầu có duy nhất ý nghĩ sau này chết đi chỉ cần một ô đất nhỏ ở quê. Nghĩa trang quê nhà bao giờ cũng rộng lượng kê cho người một chốn ngả lưng. Cây xanh và chim hót. Mùa thu từng thảm lá xào xạc chân người. Nếu Hiên nằm đó sẽ nghe thấy rõ từng bước chân Thái ghé thăm. Sẽ không lo tiếng yêu thương lẫn trong ồn ào phố.
Thái không bao giờ cáu bẳn mỗi khi vợ lẩn thẩn nghĩ về cái chết. Hiên lúc nào cũng mong manh, bé nhỏ chỉ biết lầm lũi sống với những gì bình yên nhất. Thế giới của Thái thu bị thu hẹp lại trong kho hàng mỗi đêm. Một vài khuôn mặt xuất hiện chốc lát rồi lẩn nhanh trong bóng tối. Những chiếc xe lầm lũi vào kho lấy hàng, đội bốc vác làm việc hết công suất. Tiếng thở phì phò, tiếng quăng hàng bình bịch và những hiệu lệnh cộc lốc vang lên. Người ta thường thấy những gã lái xe thích ăn to nói lớn, nhưng hễ gặp Thái thì ngược lại. Họ chỉ thích ghé tai nói thì thầm, đôi khi mang theo bao thuốc lá hoặc chỉ đơn giản là lời mời uống bia sau ca trực. Ai chẳng biết dụng ý của họ là gì.
Nhà Thái nghèo, bảy tuổi đã phải đi ở đợ dưới danh nghĩa con nuôi để kiếm được bát cơm ấm bụng. Cũng do bươn chải từ nhỏ nên Thái nghiệm ra đời chẳng ai cho không ai cái gì. Mình ăn một bữa thì trả bằng sức lực một ngày. Thái làm đủ thứ việc, từ quét nhà nấu cơm đến chặt rừng, kéo gỗ. Lớn hơn chút thì đi bốc hàng thuê, thường xuyên rong ruổi theo các xe hàng từ bắc vào nam. Sự nghiệp học hành của Thái cũng long đong không kém. Đi đâu học đó, không có thời gian theo học ngày thì học bổ túc ban đêm. Để được ngồi ở vị trí thủ kho, chỉ việc ghi chép và bấm nút trên máy tính thế này, Thái đã phải mất nhiều năm làm không công cho nhà sếp tổng. Thỉnh thoảng cũng được mặc đẹp để làm món đồ trang hoàng cho lòng tốt của người ta. Sếp đi đâu cũng khoe: “Tui nhận nuôi nó từ nhỏ. Yêu thương, bao bọc nó từng bữa ăn giấc ngủ. Đến giờ còn sắp xếp cho nó một công việc nhàn hạ hơn người”. Thái cay đắng khi nghĩ về phận nghèo, gần hai mươi năm trời lúc nào cũng chỉ biết cúi đầu chấp nhận. Có quê hương mà không được lớn lên ở đó. Có mẹ cha mà không được sớm tối vui vầy. Có những người bạn ấu thơ mà không còn cơ hội được hồn nhiên vui đùa. Thái không muốn cũng vì nghèo mà đến một ngày nào đó mất thêm Hiên.
Gã lái xe năm lần bảy lượt ghé tai thì thầm chuyện ăn chia. Nỉ non ngọt nhạt mãi chả ăn thua thì quay ra chửi: “Ông ngu bỏ mẹ, cơm bày tận miệng mà không ăn. Vứt!”. Thái không ngu cũng chẳng phải loại chê của. Với vị trí của Thái thì việc gian lận vài tấn hàng hóa một đêm là chuyện dễ dàng. Chỉ cần giở chút thủ đoạn khi cân hàng, xuất phiếu rồi chia chác với lái xe và chủ hàng là kiếm đủ. Chả mấy chốc mà xây được nhà cho Hiên, mua được cả ô tô để đưa Hiên về quê cho đỡ cực. Bao nhiêu cám dỗ cứ giằng co Thái, nhiều lúc định tặc lưỡi làm liều một lần thử coi. Chả có cách kiếm tiền nào lời như thế. Đã vậy, mấy gã lái xe còn quả quyết: “Lộ thế quái nào được mà lo. Chỗ nào cần chia sẽ chia, cần bịt miệng sẽ bịt miệng. Cứ yên tâm đi”. Thái lưỡng lự mãi làm cánh lái xe sốt ruột, giục hoài: “Người ta ăn đầy mà không thì cứ mãi nhát gan. Thế thì đổi đời thế quái nào được”. Thái thở dài nghĩ đến căn phòng trọ nóng hầm hập ngày hè. Mồ hôi ướt đẫm lưng Hiên mỗi lần đứng bếp. Mấy cái quạt thi nhau phả hơi nóng vào người. Chẳng khác gì những ngày hè năm xưa Thái theo mẹ đi đốt đồng. Từng đống lửa cháy bừng bừng cuộn lên từng đám bụi. Lửa ở khắp nơi, lửa vây tứ phía, vũ điệu của lửa nhảy múa trong mùa đốt đồng để từng nắm tro thăng hoa mùa vụ tới. Mặt hai mẹ con nhem nhuốc bụi tro tàn, chỉ nụ cười là rạng rỡ. Lúc lội xuống suối vục mặt vào dòng nước mát lạnh mới thấy lửa trong người mình bị dập tắt. Sau này Thái rất nhiều lần mơ thấy mình được tắm gội và gột rửa những cay nghiệt cuộc đời trong lòng suối. Cũng như mơ thấy nụ cười của người mẹ quá cố cơ cực và hiền hậu của mình. Tất cả những điều tốt đẹp hiếm hoi ấy bây giờ Thái chỉ còn được thấy ở Hiên. Tâm hồn Hiên như dòng suốt mát lành còn nụ cười thì giống mẹ đến nghẹt thở. Giống đến mức Thái không dám làm gì vì chỉ sợ nụ cười ấy sẽ tắt. Những lời nói thì thầm của mấy gã lái xe vẫn nhồn nhột bên tai Thái.
Hiên đọc được sự giằng co khốn khổ ấy trong Thái. Thấy chồng mình ở ngay đây mà ngày mai biết đâu đã quá xa xôi. Tham vọng làm gì Thái ơi khi biết trước đồng tiền thường khiến mình mờ mắt. Những thứ anh nhìn thấy có khi chỉ là ảo ảnh. Nếu anh bị bắt đi thì cái hạnh phúc được ăn một bữa cơm trong ngôi nhà chật chội này sẽ chỉ là mơ ước. Thái đang ở giữa lưng chừng con dốc của cám dỗ, còn lưỡng lự không biết leo lên hay tụt xuống. Một khi đã leo cao thì ngã sẽ đau hơn, chỉ nghĩ thôi Hiên đã thấy xót xa rồi. Dù Hiên biết thành phố này không thuộc về họ. Phải ngoi lên mà thở hoặc ngụp xuống thật sâu. Phải mưu mô toan tính đến tận cùng hoặc là cam phận. Thái ơi tụi mình chỉ là những chiếc lá mỏng manh trong dòng xoáy cuộc đời. Hiên muốn mang Thái rời khỏi nơi này dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
- Chúng mình về thăm quê đi Thái. Em muốn ngồi sau lưng anh trôi qua cây cầu bắc ngang sông. Mùa này đang là mùa đốt đồng.
Thái như vừa được đánh thức khỏi cơn mộng mị, giật mình ngoảnh nhìn Hiên:
- Ừ. Anh biết.
Xe sẽ đổ đèo quanh sườn núi nghiêng người như một cánh chim đang bay về núi, như chiếc lá tìm về nguồn cội. Rồi miên miết trôi qua những cánh đồng đang cuộn lên từng vòng khói. Hiên tin Thái sẽ tìm thấy nụ cười hồn nhiên của mình lẫn trong tro bụi. Sẽ gặp lại cả nụ cười của mẹ lấp lóa giữa khuôn mặt Hiên hiền hậu. Xe sẽ trôi qua cây cầu đưa họ về đứng trên mảnh đất thân thuộc ấy.
Xe trôi...
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment