Ngã ba Ông Tạ là một địa danh được hình thành từ những năm 40 của thế kỷ trước và được lưu truyền cho đến nay, khi nhắc đến ông Tạ thì không chỉ người dân ở SaiGon mà những người dân ở các tỉnh lân cận đều biết đến một ngã ba ở phường 5, quận Tân Bình, ngày nay ngã ba này là giao điểm của đường Cách mạng Tháng Tám và đường Phạm Văn Hai. Ngã ba Ông Tạ là một địa danh được hình thành từ những năm 40 của thế kỷ trước và được lưu truyền cho đến nay, vào những năm đầu của thế kỷ trước, vùng đất này còn là rừng hoang sau hình thành khu nghĩa trang của Sài Gòn xưa. Nhận thấy đây là một vùng đất phù hợp, lương y Trần Văn Vỹ đã mua lại một mảnh đất để mở phòng mạch khám chữa bệnh cho bá tánh. Với kiến thức học được trên núi ông đã dùng cây thuốc Nam để chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh của trẻ con và phụ nữ. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến chữa bệnh ngày càng đông và vùng đất này quy tụ thêm nhiều thầy thuốc về đây lập nghiệp, tạo nên một khu phố khám chữa bệnh và bán thuốc nam của Sài Gòn xưa.
===>1.Tiểu sử về ông Lương y Trần Văn Vỹ – hay còn gọi là Ông Tạ – sinh năm 1918 tại Mỹ Tho và mất năm 1983 tại Sài Gòn, ngoài danh truyền là một lương y giỏi ông còn được biết đến là một nhà hảo tâm, luôn sẵn lòng cưu mạng và giúp đỡ những người nghèo quanh vùng, sau năm 1954, một đợt dân di cư từ miền bắc vào đã chọn vùng đất này để lập nghiệp, và từ đó hình thành nên một ngôi chợ với tên gọi là Chợ Ông Tạ.
Ngã ba ông Tạ, chợ Ông Tạ đã trở thành địa danh quen thuộc với người dân Sài Gòn xưa. Ngày nay thì ngôi chợ đó đã được chuyển đi nơi khác, trên khu đất chợ cũ được xây dựng một ngôi trường khang trang. Còn những người dân sinh sống quanh chợ Ông Tạ xưa vẫn mở những sạp hàng nhỏ buôn bán qua ngày và họ gọi nơi đây là chợ Ông Tạ cũ. Lương y Nguyễn Văn Huệ là cháu đời thứ ba của ông Tạ và là người tiếp quản, thừa kế khu khám chữa bệnh này. Được tiếp cận với nghề thuốc của ông nội từ nhỏ nên những vị thuốc đã ngấm vào ông lúc nào không hay, ông lớn lên và quyết tâm theo học nghề đông y, ông rất vinh dự trở thành người nối nghiệp của gia đình, qua những câu chuyện mà chúng tôi tìm hiểu cho thấy, Ông Tạ ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân khu vực này và cái tên Ông Tạ được đặt cho khu vực này để xác định một nơi chốn cụ thể, đây là một địa danh quả thật đã in sâu vào tiềm thức của người dân Sài Gòn xưa và lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
===>2.Ký ức về Ngã 3 Ông Tạ
Bắt đầu từ ngay ngã ba trên đường Thoại-Ngọc-Hầu. Bên phải có tiệm gạo Quang Vinh, nhà 3 tầng lầu, có người con trai cả tên Vinh học trò võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh, Lý Huỳnh là học trò cưng của võ sư Huỳnh Tiền, tôi có học võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh được đúng hai tháng gần bến đò Phú Lâm Chợ Lớn, sau đó bị thầy đuổi vì quá ốm yếu. Kế là tiệm thuốc bắc người Tầu, bọn trẻ xóm tôi gọi là chú ba Tầu tôi hay sang tiệm chú chơi được cho quế ăn thơm phức, sau đó là tiệm may Thành có người con lớn đi lính sĩ quan tử trận. Kế là tiệm bán giầy, bên cạnh là tiệm vàng Tân Lợi. Tiếp là tiệm chạp phô, cách một ngõ nhỏ là tiệm vàng không còn nhớ tên. rồi hai tiệm bán tạp hóa kế bên, tiếp nữa là tiệm vàng ông chồng là y tá chích thuốc dạo. Rồi lại một loạt tiệm tạp hóa sau đó đến tiệm vàng Việt Thịnh nổi tiếng giầu nhất vùng này có một lần bị cướp và một lần bị trộm, từ bên này đường tôi thấy tên trộm bị vây trên nóc nhà 5 tầng lầu. Rồi đến con đường hẻm cạnh con đường hẻm là nhà thuốc tây Bình Dân.
Trở lại từ đầu ngay ngã ba bên trái trên đường TNH. Tiệm vàng ngay góc, đến tiệm bán trái cây, kế là tiệm bán đồng hồ. Cạnh bên là tiệm bán sắt xây cất nhà cửa của bà Đỉnh, kế là tiệm banh kẹo và rượu Thanh Hương, nhà tôi Đức Hiền canh bên buôn bán đồ sắt và vật liệu xây cất ngay bên cạnh là tiệm buôn bán tạp hóa, kế bên là tiệm vàng Kim Thành thì phải, bà chủ tiệm vẩn còn bám trụ cho đến bây giờ nghe nói giầu bốc lên. Một loạt tiệm tạp hóa và vàng liên tiếp nối đuôi nhau. Rồi đến căn tạp hóa của bố mẹ nhạc sĩ Ngọc Trọng và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, sau đó mới đến thầy thuốc Ông Tạ cũng người Tầu, bênh nhân ở đây đông ngẹt, trước cổng vào có gánh hàng bán ốc luộc. Gần đó vài căn là nhà bố mẹ của ca sĩ Giang Tử.
Nghe nói nhà văn Lê Tất Điều cũng ở ngã ba Ông Tạ, và còn nhà thơ Chu Vương Miện cũng dân Ông Tạ thì phải ? Ngay ngã ba trên đường Phạm Hồng Thái. Tiệm chụp ảnh Á Đông 4 tầng lầu đứng sừng sững ngay ngã ba, đây là căn nhà lầu 4 tầng đầu tiên ở ngã ba này thằng bạn con chủ nhà có lần dắt tôi đi coi trong nhà leo hết 4 tầng lấu bá thở. Kế bên là tiệm gạo Tín Lợi, có cô con gái lớn sau này qua Mỹ mở tiệm phở Hiền Vương trong Phước Lộc Thọ. Bên phải là hai tiệm vàng, bên trái là nhà sách và tiệm bán đồ điện, gần đó cạnh trường Thánh Tâm có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành, cô con gái lớn nổi tiếng học giỏi đậu hai cái tú tài ưu được học bổng đi Mỹ. Bên này đường đối diện là nhà may Hải Cảng, gần bên là ông y tá chích dạo, cách xa vài căn là tiệm phở bắc.
Đối diện tiệm phở là trường Thánh Tâm thỉnh thoảng có đoàn xiếc về biểu diễn thuê mướn miếng đất rộng trong trường. Đối diện là bến xe ngựa, nơi đây là chỗ đóng đô của tôi, bọn trẻ chúng tôi thường hay chơi tạt hình, đánh khăng, đánh cù, thẩy lỗ, chơi năm mười. Gia đình chú Tám coi ngựa ở bên trong, được cha xứ nhà thờ Chí Hòa cử trông coi nghĩa địa ngay đằng sau. Cạnh tiệm gạo Quang Vinh là tiệm bánh Thiên Hương Rồng Vàng, sau đó là một dãy 5 căn bán tạp hóa rồi đến nhà thờ Nam Thái, ngó qua bên kia là tiệm mộc tồn “Cây Còn” bạn anh tôi là con chủ tiệm nên người anh ta toàn hôi mùi chó đi đâu cũng bị chó sủa. Có thể nói tôi biết mặt hầu hết các chú nhóc và các tiểu thư xinh đẹp trong khu phố ngã ba Ông Tạ.
Trước năm 1954, khu đất ở Ngã Ba Ông Tạ là xóm Gò-Gáo, còn gọi là xóm Cò Giáo, làng Tân-Sơn-Hoà. Năm 1954 Chính-phủ Quốc-Gia Việt-Nam (lúc đó chưa có Cộng-Hoà) lập tại đây một trại tị-nạn (refugee camp) cho đồng-bào miền Bắc lánh-nạn cộng-sản ở tạm, trước khi chuyển đi định-cư các nới khác trên miền Nam, trại này tên là Trại Hà-Nội. Sau một số rất đông đồng-bào tị-nạn được định-cư tại chỗ, Trại Hà-Nội đổi thành Ấp Hàng Dầu (tên một Phố ở Hà-Nội) địa-giới nằm trong vòng đường Lê-Văn-Duyệt nối dài (sau đổi thành đường Phạm-Hồng-Thái), đường Thoại-Ngọc-Hầu, rạch Nhiêu-Lộc, vòng rào xưởng máy Sở Hoả-Xa, và vòng rào trại lính nhẩy dù Nguyễn-Trung-Hiếu. Trong ấp có hai xứ đạo là Nam-Thái, và An-Lạc. Ban đầu phần lớn nhà trong ấp chỉ là nhà lá, người dân làm ăn buôn-bán tại chợ Ông Tạ, chẳng bao lâu gây dựng được nơi đây thành một khu thương-mại sầm-uất. Một số địa-danh trong vùng là “Nhà Dây Thép Gío”, “Ngõ Con Mắt”, Xứ Nghĩa-Hoà, Xứ Chí-Hoà, “Cổng Bom” ngõ đi vào chùa Khuông-Việt, “Cầu Sạn” trên đường Thoại-Ngọc-Hầu bắc qua rạch “Nhiêu-Lộc”, tận cùng đường Bùi-Thị-Xuân có “Cầu Xi-Măng” bắc qua rạch Nhiêu-Lộc cũng là một ngõ vào ấp “Hàng Dầu”, cũng phải nhắc tới “Ruộng Rau Muống” nơi tôi thường chạy thả diều, nhiều lần ngã xuống bùn trong ruộng.
Dương Công-Tử ở bên kia đường vậy thuộc về Xứ Nghĩa-Hoà phải không? cùng bên với Nhà Dây Thép Gío, trên đường LVD có tiệm điện Nhật-Quang là nhà-chọc-trời đầu tiên trong vùng (5 hay 6 tầng), có nhà thuốc Tây Kim-Tiếng, tiệm bán thuốc lào ba số 8 cạnh tiệm bán áo dài khăn đóng đàn ông cạnh nhà sách Ngọc-Lan. Tiệm thịt chó “Cây Còn” xéo ngõ vào nhà thờ Nam-Thái, và cạnh Viện uốn tóc Hồng-Kông, gần tới Ngã ba có tiệm bán ống nước sắt, cạnh trường Thánh-Tâm (không có nhà thờ Thánh-Tâm ở đây, thưa Cô HY, hồi đó cũng không có chỗ nào đủ đất rộng mà nuôi bò sữa, Sở Chăn-Nuôi thì thì tuốt trên Ngã tư Bẩy Hiền, có nuôi vài con gà, con heo, bò để thí-nghiêm chăn nuôi. Xưởng ráp xe đạp Peugot, và xe Purch của Ông Đặng-Đình-Đáng thì nhìn xéo qua trường Quốc-Gia Nghĩa-Tử) có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành. Trước cổng trường Thánh-Tâm là bến xe ngựa, sau là bến xe Lam.
Tiệm Đức-Hiền của nhà LNH bán tạp-hoá hay bán vàng? nằm trên đường TNH phải không? Tiệm thuốc Tầu rất lớn cách Ngã Ba một căn, Ông bụng bự đứng bán thuốc đó không phải là Đông-Y-Sĩ Thủ-Tạ. Phòng chẩn-mạch của ông Thủ-Tạ dưới chút nữa gần tới chợ, cách vài căn, khuất vào trong không ngay mặt đường TNH, xéo bên kia đường là nhà thuốc Tây Bình-Dân. Hồi ấy chỉ có một tiệm “Cây Còn” bán các món “Giả Cầy”, phần đông những người biết ăn thì làm lấy ở nhà, nên không như bây giờ, nghe nói suốt cả con đường biết bao nhiêu là tiệm bán món “Khó Nói” (tiếng của Ngài Jắc-Cu-Lơ). , món “Nai đồng quê” hay “Nai thềm” là tiếng miền Nam. Tiếng người Ri-cư gọi là các món “Giả Cầy”, vì không có con “Cầy” để làm các món này nên dùng tạm họ nhà Cẩu để làm “Giả”; chứ nếu bắt được con Cầy thật mà làm thì các món ngon gấp mười lần. “Rựa mận” là món nấu với riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ, nó sền-sệt, mầu nâu-nâu như nhựa cây mận nên gọi thế.
Thành-ngữ “Trai Nam-Thái, gái An-Lạc” có lẽ chỉ mấy mấy Cậu dữ-dằn hay bênh nhau đánh lại mấy người lạ từ xa đến gây chuyện, và các Cô đanh-đá sẵn-sàng đánh bể mặt mấy tên léng-phéng chòng đến các Cô. Từ hồi nhỏ đã chứng-kiến cảnh mấy tên du-đãng từ Ngã Tư Bẩy Hiền, ngày Tết vào Ngõ Con Mắt giựt tiền của các bàn Bầu Cua của con nít, bị một Cô dùng dao răng cưa chặt đá chém cho toé máu, chợ Ông Tạ ngày nay đã bị phá đi. Kỳ đánh tư-sản bao nhiêu công-lao, gây-dựng, của một số đông người (vùng này) cần-cù làm ăn, dành-dụm được trong hơn hai mươi năm trở thành cát bụi….
Xin hết.
Blog Saigon Xưa
No comments:
Post a Comment