Wednesday, March 21, 2018

Trạm trung chuyển cảm xúc



TP - Lúc sống trong một tòa chung cư cũ, mọi ban công đều được bịt kín như chuồng cọp. Tường đã bắt đầu ngả màu rêu, hỗn tạp âm thanh đường phố váng vất vào từng giấc ngủ. Gần như không ai trồng hoa ngoài ban công, chút không gian đó dùng vào việc phơi đồ. Đứng dưới đường nhìn lên chung cư hiện ra lộn xộn, lôi thôi với đủ loại sắc màu trong những hàng dài quần áo giăng mắc tràn cả ra lòng phố.
Túc có nhiều cơ hội để chuyển khỏi đây, đến một khu chung cư cao cấp giữa trung tâm thành phố. Nhưng lần nào chị cũng có lý do thuyết phục mình ở lại. Khi thì vì muốn đợi Phi về, khi thì vì cái khoảng không gian chiếu nghỉ ở cầu thang, chỉ rộng vài mét vuông nhưng chứa đựng bao nhiêu điều tốt đẹp. Túc ví nó giống như trạm trung chuyển cảm xúc. Mà khi bước vào đó dường như ai cũng trở về với con người thật của mình. Như rũ bỏ bụi bặm phố phường để tinh tươm trở về từng ngưỡng cửa.
Trạm trung chuyển cảm xúc được ai đó mang về trồng một cây mai tứ quý. Hoa nở bốn mùa, những chấm vàng nhỏ nhoi ấm áp. Nghe nói cây mai là món quà để lại của một người đã từng sống ở đây nhiều năm về trước. Khi Túc chuyển đến đã được mai chào đón bằng sắc hoa vừa rạng rỡ lại vừa huyễn hoặc. Phi- chồng Túc hạ chiếc vali xuống, tay quệt mồ hôi nhễ nhại, sà ngay xuống rót một cốc trà đá uống ừng ực. Vừa đặt cốc xuống đã nghe thấy tiếng chim ríu rít, ngẩng đầu lên thấy cả bầy chim sẻ bay qua bay lại trên lỗ gió. Túc ngồi dựa lưng vào tường, lòng vui vì nơi này mang đến cho chị cảm giác thân thuộc một cách kỳ lạ. Đâu chỉ có con người mới cần duyên phận. Túc từng đi nhiều nơi, có những vùng đất vừa đặt chân đến đã muốn gắn bó lâu dài. Lại có nơi tươi đẹp đấy mà không thấy tha thiết dù chỉ là một giây một phút. Lần đầu tiên chuyển đến, dừng lại bên chiếu nghỉ vợ chồng Túc như đã gột rửa những bực dọc khi vừa mới đây thôi, đứng từ dưới đường nhìn lên Túc đã nghĩ thế là mình bị lừa rồi. Phi mua nhà một cách rất hú họa, như là chọn mua một cái áo cái quần qua mạng. Không cần sờ chất vải, không tận mắt nhìn màu sắc cũng chẳng cần biết mình mặc lên có hợp không. Gật đầu và chuyển tiền, không biết có phải vì tin tưởng đó là người quen? Vì tin vào trực giác? Vì quen tính xuề xòa, thế nào cũng xong, thế nào cũng được? Hay vì đó là nhân duyên run rủi?
Thực ra bạn Phi bán căn nhà này với giá rẻ bèo. Túc vốn không ham đồ rẻ khi mà khả năng có thể gắng gượng mua được thứ tốt hơn. Nhưng Túc xuôi theo ý chồng vì bức ảnh anh bạn gửi để minh họa cho tòa chung cư trông không gian có vẻ bình yên quá. Hóa ra anh bạn này cũng quái lắm, thật là biết cách dẫn dụ lòng người khi chọn đúng góc hình đắt giá nhất khu chung cư có phần xập xệ này. Bức ảnh ấy chụp tại nơi Phi ngó Túc rồi thở phào nhẹ nhõm khi thấy khuôn mặt vợ giãn ra thư thái. Không còn cái vẻ quàu quạu, cáu bẳn như lúc trước. Trong bức ảnh ấy hình như có bóng mai, những giỏ hoa nhỏ hình như cũng vừa bừng nở. Vợ chồng Túc cứ muốn ngồi đó mãi thôi. Sợ đứng dậy bước chân ra khỏi khoảng không gian bé nhỏ này mọi cảm xúc tốt đẹp sẽ vỡ òa, tan biến. Có vài người bước đến, họ cũng vừa từ phố đi về. Như thể đã quen nhau từ lâu, câu chuyện nào cũng cởi lòng thật dễ. Bước ra khỏi chiếu nghỉ, Túc thấy mình như cơn gió. Trong trẻo mát lành từ mạch máu. Thu dọn căn nhà có quá nhiều bụi bặm, Túc tưởng như đã lau dọn chính mình.
*  *
*
Vợ chồng Túc không thể có con. Đã đi khám nhiều lần, lúc thì bệnh của Túc, lúc lại tại bệnh Phi. Chữa xong người này thì người kia lại bệnh. Nên cả hai từng thở dài bảo chắc tại số. Mà đã tại số rồi thì thôi cũng chẳng nên rầu rĩ làm gì. Nói là nói vậy thôi chứ nhiều hôm đứng ở ban công nhà mình ngó ban công nhà khác lòng chị như áo sũng mưa. Nhà người ta phấp phới áo quần trẻ con sặc sỡ đủ sắc màu. Còn ban công nhà chị chỉ dành để chứa đồ đạc lặt vặt vứt đi thì tiếc mà giữ lại đây cũng chẳng biết để làm gì. Từ khi anh ra nước ngoài công tác thì dây phơi nhà chị phất phơ đơn độc bộ quần áo đàn bà. Tường ở nơi này cách âm không tốt nên hôm nào cũng nghe thấy tiếng trẻ con khóc quấy đêm. Không nhà này thì nhà khác, đứa này lớn lên đứa khác lại ra đời. Thành thử Túc thường mất giấc, tỉnh dậy rồi không ngủ lại được, vướng vít trong đầu những tiếng khóc con trẻ. Túc khẽ sờ vào bụng mình và nghĩ cay đắng, bụng của những người đàn bà khác có đôi lần biến thành cung lòng người mẹ ôm ấp, vỗ về một sinh linh bé nhỏ. Còn bụng của chị bao năm nay chỉ là đống mỡ thừa tích lại thành từng ngấn. Càng ngày Túc càng béo bụng, mỡ dư thừa đội cả lớp váy áo nhấp nhô. Thỉnh thoảng lại có người xoa bụng Túc hỏi “mấy tháng rồi?”. Nhà chồng Túc từng mỉa mai sau lưng “đàn bà gì mà chồng gửi về bao nhiêu chỉ đổ hết vào mồm, béo núc béo tròn. Con cái thì không chịu đẻ”. Chồng đi biền biệt mấy năm trời, nếu đẻ thì biết đẻ với ai?
Túc hay bước vào trạm trung chuyển cảm xúc rồi ngồi lì ở đó không muốn rời đi. Vài tiếng chim kêu cũng khiến lòng thanh thản. Mấy con chim sẻ hình như cũng biết chọn nơi mà đậu. Chúng không bao giờ bay đến nhà ai, chỉ ríu rít nơi chiếu nghỉ cầu thang. Hàng ngày đều có người thay nhau pha ấm trà. Mùa hè thì trà đá, mùa đông thì trà nóng. Uống quen đến mức vừa chạm môi đã biết tay ải tay ai. Uống trà và ngắm hoa là cái thú ở nơi này. Mùa nào hoa ấy, mỗi người đi xa đều muốn mang về một giỏ hoa. Thành thử mấy hôm trước Khang phải mượn máy khoan về bắc mấy thanh sắt trên cao nối hai góc tường để rộng chỗ treo hoa. Thành thử Túc cứ phải ngửa cổ ngắm hoa, ai đó trêu “hay là kê luôn cái giường nhỏ nằm cho đỡ mỏi cổ”. Túc cười. Nhiều ngày nay hình như Túc có ngóng đợi một điều gì đó hơn cả ngóng hoa. Cũng không hẳn là đến đây chờ mấy đứa trẻ con đi học về níu chúng lại chơi với mình đôi phút. Hình như Túc đợi trái tim mình đập lên loạn nhịp mỗi khi Khang ghé qua trạm trung chuyển dù chỉ là chốc lát. Mùi mồ hôi của Khang luẩn quẩn trong giấc mơ Túc mỗi trưa. Chập chờn nụ cười, vài ba câu nói vang vọng lặp đi lặp lại như càng dồn đuổi nỗi cô đơn hoảng hốt đến tận cùng. Ở đời sống này tương tư có đôi khi cũng ám ảnh như một cực hình.
Khang chưa vợ, có vài lần dẫn người tình lướt nhanh qua chiếu nghỉ cầu thang. Túc đoán đó chỉ là những cuộc tình một đêm, Khang thay như thay áo. Bởi Túc không gặp lại họ lần thứ hai ở nơi này. Khang chỉ đáng tuổi em Túc. Một đứa em ngoan ngoãn đỡ đần Túc những nặng nhọc đời thường. Bênh vực Túc mỗi khi có ai đó định lên gân. Thay giùm Túc cái bóng điện hỏng trên trần nhà. Sửa hộ Túc cái khóa cửa bị hỏng mà gọi năm, bảy lần thợ chẳng buồn đến sửa. Với người khác Khang bất cần và ngổ ngáo. Nhưng hễ gặp Túc là Khang biến thành người khác. Khang hiền ngoan đến từng nụ cười, tinh nghịch đến từng ánh mắt. Mà đâu biết lúc ngó Khang vác hộ bao gạo từ dưới tầng trệt lên là lòng Túc rạo rực lạ thường. Khang vai u thịt bắp, mồ hôi thấm ướt chiếc áo ba lỗ trắng tinh tươm. Túc muốn giữ Khang ngồi chơi đôi chút nhưng cửa nhà đang mở. Cứ để vậy thể nào cũng lời ra tiếng vào (đàn bà xứ này rất biết rảnh rỗi khi cần thiết) mà đứng dậy đóng lại thì e không tiện. Nên thôi. Lúc Khang đi khuất rồi Túc thấy hẫng một cái trong lòng. Cái hẫng lạnh như gió mùa lướt qua cồn cào gan ruột. Sáu năm nay Phi không về cũng rất ít khi điện hỏi thăm, Túc có chồng mà như không. Như không nhưng lại vẫn có chồng. Lủi thủi trong cái vòng kim cô chật ních lời dị nghị. Tai mắt gia đình chồng ở khắp nơi, từ cơ quan cho đến xó xỉnh khu tập thể. Túc bị sốt xuất huyết nằm ở nhà cả tuần chả thấy ai đến hỏi han. Nhưng Khang vừa bưng cho bát cháo thì nhà chồng kéo đến ầm ầm, thăm nom thì ít mà móc máy thì nhiều. Cái xe máy hỏng vứt chỏng chơ đã lâu, quán sửa xe thì xa quá. Đã mấy lần Túc ngỏ lời nhờ anh em nhà chồng nhưng ai cũng vội vàng “bận lắm”. Vậy mà cái tin Khang dắt xe đi sửa hộ lại thảnh thơi bay nhảy khắp anh em, họ hàng chồng. Hôm nọ họp gia đình ai cũng giảng giải cho Túc thuộc cái bài đạo đức thủ tiết chờ chồng. Túc cười khẩy một đám người khác máu tanh lòng. Túc rồi cũng phải cựa quậy mà thương lấy đời mình chứ.
Trong những giấc mơ nông nổi đời mình Túc khát khao được sà vào vòng tay rắn chắc của Khang. Vòng tay của một người đàn ông quyến rũ và bất cần để cùng nhau chìm đắm. Túc sẽ có con với Khang. Một đứa con đủ làm ấm đời Túc. Làm tiêu tan đám mỡ dư thừa ở bụng bằng những vất vả đêm hôm bú mớm, tháng ngày chăm bẵm. Làm điên tiết đám người nhà chồng. Làm lụi bại những lời cay nghiệt. Túc sẽ thành đàn bà thật sự, mãnh liệt sống cho phần đời còn lại. Ấy vậy mà ánh mắt Khang nhìn Túc cứ ngoan ngoãn trong veo không gợn lên chút nhục dục nào. Những lúc ấy Túc phải bước vội tới chiếu nghỉ, chạm vội đến tiếng chim để trái tim mình không điên loạn. Ở trạm trung chuyển này cảm xúc sẽ được thuần hóa, điều hòa về trạng thái cân bằng nhất. Như con quái vật đã bị thu phục. Kiệt sức nằm thở chờ hóa kiếp vật nuôi. Ở đó Túc đôi lần khóc nức nở vì tự khinh miệt mình. Vì cảm thấy có lỗi với Khang. Trong một buổi chiều nào đó ngồi cùng nhau ở chiếu nghỉ này. Khang từng nói Túc giống hệt người chị đã mất của mình. Giống từ ánh mắt đến nụ cười. Giống cả phần cam chịu và nông nổi.
Vào một sớm Khang đi. Chỉ để lại chậu hoa nhài trắng đang đến kỳ trổ nụ. Những bông hoa nở bung trắng muốt, tinh khiết và diệu vợi. Mùi hương như một thứ dược liệu khiến tâm hồn con người ta thư thái. Nhiều ngày dài Túc ngồi như hóa đá bên hoa. Ngồi để thấy mình đang tái sinh, trở về Túc của những ngày còn hồn nhiên nhất. Phi điện về nói sẽ định cư bên Nhật. Túc nghe phong thanh Phi đã lấy vợ sinh con. Kết cục này Túc đã dự cảm từ lâu. Túc chỉ thấy mừng cho anh, tuyệt nhiên không đau đớn.
Túc mới đi họp về. Khu chung cư quá cũ nên sắp phải giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân đến một nơi ở mới để tiện xây dựng lại. Giờ thì chẳng có cớ gì để Túc ở lại nơi này nữa. Mà có muốn cũng không thể được. Tiếc nuối để làm gì khi mọi thứ rồi sẽ khác. Đêm nay là đêm cuối cùng Túc ở lại nơi đây. Ngồi bên hoa để nghe thấy cả những tiếng chim đã chìm vào giấc ngủ. Ngồi để ngắm hoa nhài nở về đêm.
Sáng hôm sau người ta bứt hoa nhài để ướp trà. Trên cánh hoa còn lóng lánh vài giọt nước…
Vũ Thị Huyền Trang 
Cuộc sống có nhiều góc khuất, như cái góc chiếu nghỉ “trung chuyển cảm xúc” ở truyện ngắn này, để nhân vật chính nương tựa những lúc phải đối phó với đời sống mệt mỏi, đằng đẵng chán nản và đó là một góc sáng theo cả mọi nghĩa. Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang thường có vẻ ngoài hiền lành, lãng mạn. Nhưng trong truyện ngắn dưới đây, những mạch ngầm không kém phần dữ dội vẫn lạnh lùng chảy.
            L.A.H

No comments:

Post a Comment