Bà già ngồi im lặng như một thân cây, chỉ thấy mái đầu lơ thơ gió. Mắt bà thả mông lung về phía cánh đồng trước nhà. Đồng mùa này trơ rạ, lũ cào cào đạp cẳng xác xơ. Mấy con bò tha thẩn gặm cỏ bờ, thỉnh thoảng lại rống gọi đàn ầm ĩ. Đồng rộng như một sân khấu lớn, không ảm đạm cũng chẳng tươi vui.
Kế bên đồng là con đường bê tông khấp khểnh. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe xuất hiện hoặc thong thả trôi, hoặc rồ ga phóng nhanh như một con bọ ngựa hiếu chiến. Ai sống lâu ở quê sẽ thấy chán ngán cái khung cảnh đơn điệu này đến mức người ta chỉ muốn căng cựa để đi. Một hôm nào đó cái My đứng ngoẹo cổ ngó thật lâu nhìn thật sâu vào mắt bà già rồi nó chợt ồ lên một tiếng. “Tưởng bà nhìn gì đó hay ho lắm chứ, hóa ra chỉ một đống mây trời. Vậy mà ngày nào cũng thấy bà chăm chú. Kỳ quá mẹ ha!”. Mẹ nó không nói gì vì đang mải nhìn chằm chằm vào cuốn sổ chi tiêu. Tính đi tính lại một hồi vẫn thiếu đâu nửa triệu. Không lẽ đánh rơi đâu đó? Làm gì có chuyện, mẹ nó có thể làm rơi bất cứ vật gì xuống đất chứ tiền thì không thể. Bao nhiêu khoản chi tiêu của cả gia đình sáu miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn triệu bạc. Nghĩ sao mà bảo làm rơi...Hàng ngày My ở nhà trông bà. Chẳng biết ai trông ai vì thoắt cái đã thấy My nhảy phóc qua rặng rào rồi lủi nhanh khuất bóng sau những tán cây bên vườn hàng xóm. Nó mải chơi que mốt que mai đến khi nghe thấy tiếng gậy đập cột kêu cồm cộp thì ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Bà gọi, bằng tiếng của những vật vô tri. My nhìn là biết ngay bà cần gì chứ người khác nhìn có khi cứ phải “đuổi hình bắt chữ” chán chê mê mỏi. Nếu bà vỗ bàn tay xuống ngay cạnh bên tức là bà muốn My quanh quẩn gần bà. Tay ôm bụng là bà cần đi vệ sinh. Lúc nào bà vòng tay đấm lưng tức là bà cần nằm nghỉ. Nhưng My chưa bao giờ thấy bà kêu đói. Chỉ thỉnh thoảng thấy bà ngẩng lên trời, miệng há ra hớp không khí như loài cá hớp ô xy. Nhiều lúc My nghĩ hay là bà đã “ăn” những đám mây. Bà cắn mỗi hình hài bồng bềnh ấy một miếng rồi bỏ mặc chúng tan ra như khói. Ngoài những đám mây biết biến hình thì không có gì an ủi My mỗi lúc phải ngồi yên một chỗ. Chán ngán đến buồn ngủ, sập mi xuống và mơ về những chuyến đi thú vị. Những chuyến đi thường chỉ có trong câu chuyện của cái Thắm nhà bên. Mỗi hè nó được xuống phố chơi cả tuần rồi ôm về cả đống chuyện bất ngờ. Mà mỗi lần My và bọn bạn muốn nghe đều phải cho nó một món đồ nào đó làm quà. Thắm tự nhận mình là người kinh doanh những điều lý thú.
- Tụi trẻ con thành phố chúng đi trên đường phố bằng những chiếc giày được gắn bánh xe. Tưởng tượng mà xem các cậu ấy có thể đi bằng vận tốc của gió.
- Chỉ là những chiếc giày có gắn bánh xe thôi ư? Có khó gì đâu, chúng ta có thể lắp thêm những chiếc bánh xe vào những đôi giày.
- Thôi bỏ đi. Có lắp thì cũng chẳng thể di chuyển trên con đường khấp khểnh này.
Con đường làm tắt ngóm dự định táo bạo của lũ trẻ ấy chính là công trình bê tông hóa đầu tiên trong xã. Hồi thi công nó, dân làng thi nhau rút ruột. Nhà thì xin vài xe sỏi rải xuống thềm giếng đỡ trơn. Người xin bao xi măng làm lại nền chuồng bò cho khô ráo, mùa mưa đỡ cực. Đêm đến, tiếng người hùng hục xúc cát, bình bịch bê vác khuất sau những cánh cổng mịt mùng bóng tối. Đến khi làm xong đường thì khe co giãn có những chỗ to như cái cổ tay người lớn. Xe đạp đi đêm chẳng may lọt xuống đó thì người chỉ có ngã bổ chỏng xuống đường. Đến mùa mưa dưới kẽ hở mọc lên toàn lúa và đỗ tương như tấm rào phân cách chia đôi làn đường. Cái Thắm nói đường dưới phố láng mịn và rộng như một thửa ruộng. Thắm kể xong còn chống cằm hỏi “ở quê mình đất đai rộng mênh mông mà sao những con đường cứ bé xíu vậy trời?”. My không nói gì vì nó đang mải nghĩ ở làng này làm quái gì có tàu mà sao mấy ngày nay bà cứ lẩm bẩm mãi “tàu dạo này về muộn quá”. Hay là những con tàu bằng mây? Xứ này không có gì bí ẩn, kỳ diệu và cũng mộc mạc như mây.
* * *
Bà già ngồi đó, thực ra mắt có hướng đi đâu cũng sẽ chạm mặt đất vì chiếc lưng gù. Chỉ có những chuyến đi bằng tâm tưởng là không ai ngăn nổi. Trong hình hài xù xì già nua của một thân cây luôn lấp lánh cả trăm mùa hoa thơm, trái ngọt. Nên thỉnh thoảng có một đứa trẻ nào đó chạy ra từ hình hài của bà già. Mặc bộ quần áo gụ cứng queo, tóc buông ngang vai, trèo thoăn thoắt lên cây bàng ở sân ga ngó xem tàu đã về đến đâu. Tàu đi nhanh khủng khiếp, nhiều khi nhìn tít hút phía xa mà con nhỏ vừa tụt được xuống đất thì đoàn tàu đã chầm chậm dừng ngay trước mặt. Mắt con nhỏ dán vào những toa tàu, bao khuôn mặt xa lạ mang đến dấu vết của nhiều vùng đất tươi mới. Có người mặc áo lụa, chỉ cần chạm bằng mắt cũng đã thấy mềm êm mát lạnh. Nên hẳn là họ thuộc về một thế giới giàu sang. Có người ôm theo cả đống hàng hóa bên mình, họ chắc hẳn vừa đến từ một nơi đông đúc. Có những đứa trẻ bằng tuổi con nhỏ đang háo hức nhìn ra ngoài và vẫy tay với nó. Những cái vẫy tay ấy như mở ra một thế giới đầy thú vị. Rằng chỉ cần bước lên tàu và trôi đi là nó sẽ thoát khỏi mảnh đất buồn bã và đói nghèo này. Ngày qua ngày tiếng còi tàu thôi thúc nó bằng thứ âm thanh kỳ diệu. Một con bé không cha không mẹ, cũng chẳng có anh em thân thích. Thử hỏi lấy gì để níu chân nó khỏi sức hút từ những chuyến tàu? Một buổi chiều mùa thu từng đám mây đỏ quạch kéo về giăng mắc khắp đỉnh trời. Con bé mười tuổi đang xay lúa cho nhà chủ liền bỏ đó, lững thững đi theo những đám mây. Chân đưa bước ra tận sân ga, nắng cuối ngày như mật cạn. Loang lổ vàng, co cụm từng vũng nắng sóng sánh. Nó giẫm lên thảm nắng đi theo những cánh tay nhỏ xíu rồi khuất bóng trong một toa tàu nào đó. Lúc tàu chạy, con nhỏ ngoái nhìn lại chỉ thấy lác đác lá bàng rơi trên sân ga buồn bã. Những đám mây đỏ quạch trôi tít phía chân trời.
Con nhỏ ấy không một lần thăm lại mảnh đất xưa. Nó đã chọn những chuyến tàu làm nhà và nghề buôn thuốc bắc làm kế sinh nhai. Trong những lần đi lấy hàng, tàu từng nhiều lần dừng lại ở sân ga cũ. Nhưng không bao giờ nó bước xuống mà chỉ ngồi yên và ngắm lại mình trong ký ức. Một con bé hau háu nhìn những chuyến tàu đứng đơn độc và buồn rầu tội nghiệp. Con bé ấy giờ mới biết thực ra chẳng có mảnh đất nào tươi đẹp như cổ tích. Đâu cũng là mưu sinh nhọc nhằn và vùng trời nào cũng đơn điệu thế thôi. Khi nhận ra điều đó con bé thấy mình như đánh mất báu vật đáng quý nhất trên đời. Thứ báu vật mà chỉ tuổi thơ mới có quyền cất giữ. Đó là sự thích thú, tò mò được khám phá cuộc đời tươi đẹp. Giờ lòng nó trống trải, rải đầy những đám mây trắng xốp. Tay nó giờ chỉ thích đếm tiền, mắt nó nhìn sổ sách. Đời chẳng thể ăn mây uống gió nên chuyến đi đầu đời của nó bị tắt ngóm sự hứng khởi chỉ trong vòng một ngày. Khi cái bụng trống rỗng đói ăn kêu ùng ục. Khi cổ khát khô và mắt díp lại thèm một chỗ ngả lưng. Nó mới nhận ra không có tiền thì chẳng có đâu tươi đẹp. Mà một khi đã có tiền thì chỗ nào cũng sẽ trở nên tươi đẹp hết. Những đứa trẻ khác vì sao vẫn giữ trọn vẹn niềm vui trong suốt hành trình dài? Ấy là vì chúng không phải lo đến miếng cơm manh áo. Tiếng sôi bụng đã át đi cả mùi hương hoa bên đường, cả những sắc màu lung linh khác. Những chuyến tàu không phải để chở niềm mơ ước nữa mà chở nặng những phận người vất vả mưu sinh.
Con nhỏ năm nào đã trở thành mẹ, thành vợ, thành người đàn bà phải học vun vén tứ bề. Đã thôi bước chân lên tàu nhưng nghiệp con buôn vẫn đeo đẳng mãi. Khi biết yêu thương là bắt đầu biết dừng lại, dựng một căn nhà và nghĩ đến những đứa con. Bắt đầu thôi không nhìn xa xôi. Mắt lúc nào cũng chỉ nhìn xuống dưới chân, nhìn quanh quẩn cửa nhà hoặc nhìn vào cuốn sổ chi chít những con số nhì nhằng. Thỉnh thoảng có ai đó hỏi quê ở đâu là giật mình không biết trả lời sao. Người đàn bà bỗng nhiên nhớ tới sân ga đầu tiên của đời mình, nhớ đến những đám mây đỏ quạch. Và lòng tự hỏi liệu đấy có phải là quê hương? Rồi cũng không có thời gian để tìm câu trả lời. Con ốm, chồng đau, chum gạo cạn đáy, bố mẹ chồng sống nhờ cậy thuốc thang. Định dừng chân để sống bình yên nhưng không ngờ cuộc đời có quá nhiều giông bão. Mà một khi người đàn bà đã có gia đình thì đừng hòng trốn chạy. Luôn có thứ gì đó níu lại, nặng chình chịch đến nỗi không thể cất nổi chân.
Tin liên quan
Giờ bà già ngồi đó. Thấp thoáng trong dáng ngồi còng lưng ấy là hình ảnh một đứa nhỏ và một người đàn bà cứ đi qua đi lại. Chiều nay cái My hỏi “tàu đã về chưa bà?”. Bà cụ bỗng giật mình khi nghe thấy tiếng còi tàu hú vang trong quá khứ. Nó mang nặng những toa tàu ký ức hăm hở, rền rĩ, câm lặng xình xịch trôi qua. Sân ga cũ không biết mùa này lá có còn rơi? Liệu những đám mây ở nơi ấy có khác hình hài với khoảng trời nơi bà già đang ngồi? Nếu được trở lại đó một lần liệu bà già có thấy bớt nhớ nhung? Hay bất cứ mảnh đất nào cũng chỉ đẹp khi tồn tại mơ hồ, khi ta không thể đặt chân đến cũng không thể quay trở lại. Tựa như ăn một miếng bánh bằng mắt và óc tưởng tượng bao giờ cũng ngon hơn là chạm vào môi. Mà càng già càng chỉ thích nhìn từ xa. Như khi ngồi trên thềm nhìn con đường trước nhà với tấm phân cách mềm mịn màu xanh của mạ non, mầm đỗ tương hay những hạt ngô mới nhú khiến bà già còn thấy nó thơ mộng, còn yêu được mảnh đất nơi mình ngồi. Cái My thì mải nghĩ đến những con đường có thể trôi băng băng cùng chiếc giày có gắn bánh xe. Mẹ con bé thì đang mải tính xem buổi chợ cá sáng nay lỗ lãi thế nào...
Đoàn tàu đi qua rồi. Bà già vòng tay ra sau đấm lưng. My chạy lại đỡ bà đi nghỉ. Trên cánh đồng chỉ bạc một màu rạ khô rạc. Những đám mây trên trời vẫn chầm chậm trôi đi...
Vũ Thị Huyền Trang
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment