Lần nào đi xa về Mai cũng đứng lừng khừng trước ngõ. Đứng đúng đoạn ngõ chẻ thành hai hướng chạy thẳng đến hai mái nhà cũ kỹ. Ở giữa là rặng tre cao vút làm ranh giới địa phận của hai người từng sống chung nhà, ngủ chung giường.
Chân Mai không biết nên rẽ trái hay rẽ phải, sang chào bố trước hay vào nhà mẹ trước. Rồi lần nào Mai cũng chọn phương án ngồi bệt xuống đất dồn hết sức còn lại sau một chuyến đi dài, nói thật to đủ vang cả hai nhà “con về rồi”. Hai cái đầu sẽ thò ra từ hai mái nhà, cùng chạy lại giằng co Mai như muốn xé đôi. Cảnh giằng co ấy quá quen thuộc, vì thương Mai thì ít mà vì sự hiếu thắng của hai người già ấy thì nhiều. Nên lần nào Mai cũng ước gì mình phân thân ra được. Về nhà mấy ngày ăn cơm phải đặt lịch, bữa cơm mẹ rồi lại bữa cơm cha.
Để khỏi phải chạy đi chạy lại giữa hai nhà, Mai thường mắc cái võng ngay thềm giếng đung đưa nói chuyện vọng sang hai bên. Cứ về nhà là mệt chẳng kém gì ca sĩ luyện thanh. Nên lúc quay về thành phố Mai lại phải học cách đi nhẹ nói khẽ. Mà cái giếng là nơi duy nhất hai ông bà già chung đụng. Cùng vo gạo, rửa rau. Cùng ngồi gội đầu chải tóc. Sau bữa cơm có khi chạm mặt, nhìn tay nhau cầm một cái bát tô, một đôi đũa lệch. Bà phân trần ở có một mình chả mâm bát nhiều làm gì cho mệt. Ông cũng bảo ờ, ăn uống được bao nhiêu mà bày vẽ. Rồi lụi cụi rửa bát, lầm lũi quay lưng. Mỗi lần mường tượng ra cảnh ấy Mai đều thấy nhói đâu đó trong lồng ngực.
Bảy tuổi, Mai ngồi lơ ngơ ngoài hiên xem bố mẹ chia đôi tài sản. Hai con người phừng phừng nóng giận, sau khi gây chiến với nhau một trận tơi bời lại tính đến chuyện bỏ nhau. Cả rổ bát đĩa bị bố quẳng hết ra ngoài sân, chum gạo vỡ làm đôi, xoong nồi thì cái nào cũng méo. Hỏi có gì để mà chia? Có chứ, mẹ nói cái giường này đóng từ cây gỗ mít ông ngoại cho làm của hồi môn khi về nhà chồng. Cái nhà này cũng do anh em nhà ngoại túm tụm vào dựng cho. Mấy đàn gà đều là công sức mẹ chăm bẵm từng ngày.
Chẳng thèm nói gì, bố đứng phắt dậy vắt chiếc áo màu cháo lòng lên vai đi thẳng ra vườn. Bố cầm cuốc hùng hục xẻ đôi lãnh thổ rồi dựng tạm căn lều phía bên kia góc vườn. Chỉ có Mai là không thấy đem chia như thể bị bỏ quên trong nhiều mùa giông bão. Những buổi chiều ngồi ngó hai cột khói leo lắt bay lên trời, Mai nghĩ đến khói còn biết buồn phận đơn lẻ nữa là... Mấy lần chui sang bếp của bố thấy cơm nguội khô khốc, lọ muối vừng đã ướt, củi lửa nguội tanh nguội ngắt tự bao giờ. Bố đi đào giếng thuê đổi sức mình lấy cơm rượu vạ vật trong làng. Cứ đến chiều bố mới trở về nhà bằng cơn say khật khưỡng. Có hôm chẳng kịp rửa lại chân, bố đổ ập xuống giường ngủ nói mê man. Cũng có hôm rượu làm ruột gan cồn cào, bố dặt dẹo nhóm bếp thổi cơm. Cơm có khi vì cơn say mà lẫn cả tro tàn đen đúa. Nhiều lần Mai đi đổ chậu nôn cho bố, ngồi giã cốc trà gừng mà cay xè mắt. Con chim cuốc kêu não nề ngoài bờ bụi. Đến chim còn biết gọi nhau mà…
Mẹ nói kệ xác ông ấy, cứ rượu chè suốt ngày thì đến cuối đời cũng chỉ ở một mình. Cảm gió chết nằm đấy cũng chẳng ma nào biết. Mai vừa bưng bát cơm lên nghe mẹ nói xơi xơi mà nghẹn đắng họng. Mai nghĩ người lớn kỳ lạ thật. Hằn học vậy mà cũng đã từng sống chung với nhau gần chục năm trời. Mai xin mẹ một con gà rồi đóng cái chuồng đơn sơ nuôi làm giống bên nhà bố. Đến lúc gà đẻ Mai bảo bố lấy trứng mà luộc ăn sáng hoặc nấu cháo lúc ốm đau. Nhưng trứng để ung bố không thèm dòm tới. Ngày nào bố cũng đi từ sáng, căn lều này chỉ là chỗ ngủ qua đêm. Cũng có đợt bố nằm nhà cả tuần vì lên cơn sốt. Chẳng biết do bố suốt ngày chui xuống dưới lòng đất nhiễm hơi lạnh độc hay bởi cái nóng của rượu thổi phừng phừng trong từng mạch máu. Mai bưng bát cháo từ bên nhà mẹ sang thì bị vấp ở hàng rào toàn gai tre. Cháo đổ bỏng cả tay mà không dám khóc, chỉ sợ bao nhiêu cảm xúc sẽ vỡ òa không cách gì ngăn lại được. Ngày mưa, đêm nằm nhà mẹ kín đáo mà đếm từng chỗ dột trong lòng. Thương căn lều tuềnh toàng gió thổi tứ bề của bố. Đã mấy lần định bảo hay là gọi bố về đi mẹ. Nhưng tưởng tượng ra những câu mắng xối xả mà không dám cất lời. Có lần vì thương quá mà Mai đòi sang ở phía bên kia mảnh vườn. Mẹ nói mày mà đi được thì bước luôn đi, sau này đừng có mò về cái nhà này nữa. Đứng ngập ngừng bên hàng rào hồi lâu nghe bố say rượu hát bài “tình cây và đất”, Mai đã nghĩ hay là mình cũng cất một cái chòi ở giữa. Để đỡ phải bước chân qua ranh giới hàng rào.
Ghét nhau ghét cả đường đi. Cổng ngõ thì đã được bố vác cuốc xẻ đôi về hai hướng. Còn cái giếng chẳng thể xẻ làm đôi được nên cứ chạm mặt nhau hoài khiến mẹ ngày đêm hậm hực. “Thằng cha đó làm thợ đào giếng cho cả làng này mà sao không tự đào cho mình cái giếng khác đi. Chung đụng càng thấy ghét”. Bố thì nói “cái giếng đấy tao đào gần một tháng toàn ăn cơm độn sắn. Đất này toàn đá sỏi, đào được cái giếng cực muốn chết ngu gì mà đào thêm cái nữa”. Ngày đó Mai nghĩ người lớn kỳ lạ nhất. Đến nghĩa tình còn có thể xẻ đôi, cơm khác nồi, lửa nhen khác bếp thì ngại gì chuyện đào thêm một cái giếng. Bác Thạch cũng có lần từng đề nghị với mẹ “hay là anh thuê người đào giếng khác cho em”.
Nhưng mẹ không chịu, cũng không thèm ngẩng lên nhìn bác. Mai như khán giả bất đắc dĩ phải ngồi coi người ta tán tỉnh mẹ mình. Từ hồi biết mẹ chia đôi nhà, đàn ông ở làng mở cờ trong bụng. Ngày nào cũng kiếm cớ đi qua nhà Mai một vài lần, ngó thử lên sân xem mẹ làm gì. Ban đầu họ còn e ngại bố, dẫu sao cũng ở sát bên vườn. Nên họ chỉ dám qua mua con gà, mượn bình phun thuốc. Đàn bà làng này đi xuất khẩu lao động gần hết. Cuối năm ngoái quét thêm một đợt đi giúp việc ở Đài Loan thành ra trơ trọi toàn đàn ông ở nhà chăm con nhỏ. Thỉnh thoảng lại có người sang hỏi con đau bụng thì phải cho uống thuốc gì? Tự nhiên nó nổi mẩn khắp người phải kiêng cữ sao đây? Cô Cúc ơi cô Cúc, cháu nó mấy hôm nay biếng ăn và khó ngủ. Cô mách giùm tôi nấu món gì, uống lá gì? Mẹ cười bảo ô hay tui đâu phải là bác sĩ, hỏi toàn cái khó giờ biết trả lời sao? Mai ngồi ngoài nhặt rau nấu cơm, thỉnh thoảng nói chêm vào “mẹ cháu vụng lắm mấy bác ơi. Cháu lớn được thế này đều nhờ một tay bố cháu chăm bẵm đấy”. Ông nào ông ấy gượng cười. Mẹ lườm Mai bằng đôi mắt phượng.
Kể từ hồi mẹ mở một quán tạp hóa ngay dưới cổng thì xem ra ai cũng có cớ nghé qua. Từ cây kim cuộn chỉ cho đến gạo thơm, nước mắm, cá khô... mẹ bán tất tần tật, cứ vài ngày lại đi lấy thêm hàng. Khách hàng của mẹ toàn là đàn ông, mua hàng xong không chịu về luôn còn ngồi uống cạn đáy ấm chè. Mai chỉ đun nước thôi cũng mệt nhưng chẳng dám thở than. Mẹ bảo “bán hàng lấy tiền nuôi mày ăn học chứ nuôi ai. Nhìn bố mày xem, không có lấy một đồng”. Có tiền mẹ mua nhiều thức ăn ngon, nhiều quần áo đẹp. Nhưng Mai đâu có thích, ngửi thấy mùi cá nướng bùn của bố bốc hơi từ nhà bên mà thèm rỏ dãi. Mẹ bảo “bố con mày ăn lùi lụt bẩn thỉu mãi nó quen. Mày mà sống với ông ấy thì lớn lên ma nó lấy”. Phải rồi, có khi cứ phải sạch sẽ tinh tươm như bác Thạch mới đủ làm mẹ xiêu lòng. Người đâu vừa đến cổng mùi nước hoa đã xộc thẳng vào nhà. Đến đêm ngủ Mai vẫn thấy váng vất nhức đầu. Mai thèm được thả người xuống cái ổ hôi hám của bố. Lộn xộn quần áo, chăn màn nhưng vẫn dễ ngủ hơn vì thân thuộc. Rồi sáng hôm sau thấy tiếng ho khan của bác Thạch từ đầu ngõ là Mai bỏ sang nhà bố ngồi cả buổi. Ngồi cho đến khi nắng lên đến đỉnh trời thì mang hết mùng màn, chăn chiếu đi giặt lại. Nhìn đống vỏ mì tôm vứt vung vãi dưới bếp, Mai buột miệng hỏi chừng nào bố tính lấy vợ mới đây? Bố cười khan nói ở vậy cho lành. Lành gì mà lành, Mai chỉ thấy đời bố như cái áo tơi phơi đúng chiều gió quật.
“Chừng nào mẹ lấy chồng con về ở cùng với bố”. Mai nói vậy khi đang đung đưa trên võng. Mẹ không nói gì, chỉ ngóng ra ngoài ngõ chắc là chờ đợi ai đó. Cửa hàng tạp hóa vắng khách dần. Đàn ông là dạng chẳng kiên nhẫn được lâu. Mới ỡm ờ vài ba câu không thấy mẹ đáp lại đã quay đầu bỏ cuộc. Xem ra chỉ có bác Thạch là bền bỉ nhất. Dù tóc bác đã hoa râm, vác mấy tải lúa ra phơi hộ mẹ mặt nhăn nhó vì xương khớp. Ngoài cái thói xịt nước hoa nồng nặc thì trông bác cũng hiền lành. Kể mà mẹ lấy bác làm chồng chắc cũng sống với nhau được đến cuối đời. Nhưng chẳng hiểu sao mẹ cứ dùng dằng mãi còn Mai thì đã chán cảnh pha trà mời khách, nên thường tha thẩn ngoài thềm giếng hết giặt đồ thì quét lá khô. Mùa thu, cây cối trong vườn trút bỏ tâm tư trong từng gân lá. Giếng không đậy, xoáy tròn thuyền lá dưới mặt nước trong veo. Mai soi xuống giếng thử hình dung xem mình giống ai. Lại nhớ cảnh hồi Mai còn nhỏ, cả nhà hay chụm đầu soi vào bể nước mưa. Bố vừa vuốt lại tóc cho Mai vừa trêu nhà này sao tự dưng đúc ra một đứa xinh đáo để.
* * *
Nhà của mẹ giờ mối mọt đục ruỗng cả cột kèo. Túp lều bố lợp đi lợp lại mấy lần cũng bạc màu mưa nắng. Không nhà nào thêm người nên hai ông bà già vẫn đơn lẻ sớm tối trong cùng một mảnh vườn. Đàn bà về già thôi không còn càu nhàu, nín lặng nhìn hàng rào gai góc mọc lên tua tủa. Bố không đi đào giếng thuê nữa, xương khớp yếu rồi. Hàng ngày ở nhà chăn nuôi, lụi cụi vườn vặng ngày hai lần quét lá. Mẹ vẫn mở cửa hàng tạp hóa, chủ yếu bán cho khuây khỏa tuổi già. Bây giờ chỉ cần hai mươi phút phóng xe xuống thị xã là chẳng thiếu thứ gì. Chợ họp cả ngày từ lọ dầu gió đến đồ hải sản ướp đá mang tận biển về. Quần áo, vải vóc đủ mốt tha hồ chọn lựa. Thêm một cái siêu thị to đùng, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng lại chẳng phải lo mặc cả cho mỏi miệng. Dân quê đi mua hàng thì ít mà đi ngắm siêu thị thì nhiều. Quán tạp hóa của mẹ chỉ để phục vụ mấy cụ bà mắt mờ chân chậm và bọn trẻ con lít nhít mua bim bim, kẹo mút. Những gã đàn ông từng ghé đến giờ cũng đã già. Họ quanh quẩn góc nhà với cháu con và đã thôi nuôi ước mơ chinh phục người đàn bà đẹp nhất làng mang tên một loài hoa. Cúc giờ đã già, má có phấn son cũng chẳng thể nào hồng lại được.
Mai về nhà mẹ nghe nói cái bóng điện hỏng mới được bố thay. Nhà dột mới được bố lợp lại. Giếng cứ mùa hè là cạn khô nước nên bố mới lụi cụi đào thêm. Mấy lần bố ốm nằm bẹp trên giường mẹ thay Mai nấu cháo, giặt quần áo, quét dọn cửa nhà. Mai cười bảo hay là chặt phăng cái hàng rào đi cho đỡ vướng víu? Mẹ bảo hàng rào trồng bằng tre, gần hai mươi năm rễ cây bám sâu xuống đất còn cành lá thì um tùm đâu dễ gì phá bỏ. Lần nào chui qua cái lỗ hổng duy nhất ở hàng rào Mai cũng than bị gai cào xước hết tay chân, đầu tóc. Có hôm nhìn vết xước ri rỉ máu trên tay Mai, mẹ xót xa bảo “giá như…”. Mai chua chát định hỏi sao đến tận bây giờ mẹ mới biết xót xa? Mai lại nằm đung đưa ngắm mùa lá rụng. Giếng chung như giếng trời, hết mùa lá trong vườn lại đến mùa lá tre ở hàng rào rụng xuống. Mới đó mà đã gần hai mươi năm trôi qua, cũng chỗ này, ngày xưa nằm đung đưa võng Mai chỉ thấy một khoảng trời trống rỗng đang chao đảo. Còn bây giờ, nằm ngửa mặt lên trời Mai nhìn thấy một rặng tre cong vút. Mỗi ngọn cây cong như một dấu hỏi gió thổi nghiêng ngả về hai phía. Đêm đêm vi vút gió, kẽo kẹt như tiếng của gánh đời nặng nhọc vọng sang cả hai nhà. Mai chắc rằng hai người già khó ngủ ấy nghe tiếng thanh âm của hàng rào vọng vào sẽ nghĩ ngợi mông lung lắm. Có đôi lúc Mai mong họ hồn nhiên như tụi trẻ bây giờ. Yêu thương, giận hờn, chia tay rồi ngày mai lại quay lại với nhau nếu thấy còn đắm đuối. Hà cớ gì phải làm khổ đời nhau và giày vò chính bản thân mình vì những lỗi lầm trong quá khứ. Sự ngăn cách đâu phải bởi hàng rào tre đầy gai sắc nhọn. Cũng đâu bởi tuổi giờ đã già, tóc giờ đã bạc. Chuyện xưa đã nhạt, yêu thương thêm đầy vậy mà không biết còn lừng khừng đến bao giờ nữa.
“Nhạt là nhạt thế nào, tao còn nhớ hoài mấy trận đòn và mùi men rượu phả ra từ con người ấy. Ông giật tóc tao ngã dúi dụi va đầu vào cả thành giếng. Từ đó đến giờ cứ trái gió trở trời là đầu lại lên cơn đau nhức. Đã rượu chè còn vũ phu như vậy thì mày coi có nên tha thứ hay không? Tha thứ được hay không chỉ có mẹ là hiểu rõ lòng mình. Mẹ lúc nào cũng vậy. Trái tim đâu có thiếu than hồng lửa đỏ mà lời lẽ thì cộc cằn, hằn học mãi thôi. Chả cứ gì với bố, đến Mai là con gái còn không nhớ nổi mình đã bao giờ từng được mẹ nói dịu dàng hay ôm ấp vỗ về chưa? Ký ức về mẹ không nghèo nàn nhưng thiếu sự ấm áp. Bạn bè cũng có nhiều đứa phải xa quê như Mai. Nhưng cái cách chúng nhớ nhung về mẹ sao khác Mai quá chừng. Đi đường thấy mẹ con người ta cùng đứng trú mưa nói cười vui vẻ dưới tán cây là bạn khóc nhớ nhà. Mai thấy mưa chỉ nhớ về cảm giác từng nằm trong hai mái nhà nghe mưa đơn độc. Ăn một món Mai khen nức nở “từ bé đến giờ chưa thấy ai nấu ngon như thế”, thì mắt bạn rưng rưng nhớ gia vị “mẹ” trong những bữa cơm gia đình đầy hạnh phúc. Những lúc buồn nhất bạn đòi về với mẹ. Còn Mai thì vui hay buồn cũng chẳng biết phải mở lời nói với mẹ thế nào. Lúc nằm sốt mê mệt bạn hay gọi “mẹ ơi” như nhiều đứa con khác trên đời. Nhưng bạn bảo kỳ lạ lắm, Mai cũng từng mê man trong bệnh viện nhiều ngày trời, nhưng những lúc tỉnh dậy chỉ dặn bạn đừng gọi về cho mẹ. Bạn hỏi vì sợ mẹ lo lắng hay đang giận dỗi mẹ điều gì? Mai bảo không, ngay cả cảm giác giận dỗi mẹ cũng chưa hề có.
Lúc bố mẹ chia tay, Mai chọn sống với mẹ đơn giản chỉ như một thói quen. Căn nhà ngói ba gian với bức tường không sơn trát và cửa sổ đã rơi dần từng cánh. Bên hiên bên phải bố hay ngồi uống rượu, mồi nhắm là bất cứ thứ gì có thể ăn. Khi thì bố sai Mai rang vài củ lạc, mà lạc thì mẹ để làm giống mùa sau. Khi thì hàng xóm qua chơi mang cho ít bỏng ngô, bố cũng có thể ngồi lai rai từ chiều đến tối. Có hôm bố nhậu với chuối xanh chặt ngoài vườn hoặc đốt tổ ong làm mồi đặc sản. Bên hiên trái mẹ ngồi với thúng mủng, dần sàng. Vừa làm vừa càu nhàu người đang ngồi đầu gió. Có lúc nói mệt, làm mệt mẹ ngồi thở dốc, nước mắt mẹ ứa ra đến tội. Cũng có khi Mai nghĩ mẹ ngồi lừ đừ chắc là vì say hơi rượu gió thổi bay từ phía bố. Rượu nhạt rồi bố uống mãi không say, nhưng hơi men trong đầu mẹ thì đã quá nồng. Hình ảnh buồn chán vậy mà cũng thành thói quen, Mai lắm lúc tự thấy lạ chính mình. Vì là thói quen nên Mai nghĩ bố cũng sẽ trở về. Chứ nếu lúc đó Mai sang ở với bố thì chỉ sợ rồi sẽ quen nơi mới. Rồi sẽ chẳng có cái cớ nào để quay lại cùng nhau. Cứ tưởng chỉ dọa nhau chơi thôi, chứ cả trăm lần trước thề thốt bỏ mà cũng đâu có bỏ. Cho đến khi bố dựng lều, trồng hàng rào xanh tốt thì Mai vẫn cứ nghĩ sao người lớn giận dai như đỉa. Bạn từng hỏi nếu được lựa chọn lại, Mai sẽ sống cùng ai? Mai cười chua chát, sống cùng ai chả vậy, cũng buồn chán và đơn điệu như nhau. Mai vẫn phải phân thân giữa những cuộc giằng co, vẫn sẽ chui hàng rào gai cào chảy máu. Vẫn sẽ nằm bên này mà tưởng như nghe thấy cả tiếng thở dài nhà bên kia thao thức. Đêm mưa gió nào cũng thấy nửa tim mình lạnh buốt. Chứ sung sướng gì hơn.
Mai có người yêu. Gã đòi về thăm nhà bằng được. Gã cao mét tám, lưng rộng, vai to. Lần đầu tiên hai đứa ôm nhau Mai đã đo vòng tay và nghĩ làm sao gã có thể chui qua cái lỗ rào bé xíu để chào hỏi hai bên. Rồi những bữa cơm biết tính sao đây? Không lẽ bên này đông vui còn bên kia lẻ bóng? Nếu sau này Mai đi lấy chồng, ngày tết nhất chỉ tranh thủ về thăm nhà một lúc, cứ chui qua chui lại có khi cũng hết một ngày. Nên trước hôm chàng rể tương lai đến thăm nhà, Mai rầu rĩ ngắm rặng tre cuối mùa măng mọc. Những cây măng không bị bố chặt ngâm măng ớt giờ đã cao vống, chẳng mấy chốc mà đan khít vào nhau làm dày thêm thành lũy giữa hai nhà. Lần này Mai về không có cảnh giằng co. Bố ốm, một đời làm bạn với rượu thì giờ đến chính cơ thể cũng muốn bỏ bố mà đi. Cũng rệu rã kêu than bằng những cơn đau thắt bụng. Mẹ nấu cháo sai Mai bưng sang bố không quên dặn dò đủ thứ. Mai bảo mẹ lo lắng vậy sao không tự sang thăm? Mẹ thở dài bảo lưng già rồi chui hàng rào mệt lắm. Mà không lẽ phải đi vòng tận ngõ, cháo bê sang có khi cũng nguội mất rồi. Tưởng chuyện gì to tát, nếu chỉ vì hàng rào thì Mai sẽ phá đi. Nói là làm, Mai thuê thêm mấy người, không chỉ chặt cây mà cuốc bung gốc rễ. Mẹ ra đứng nhìn thở dài bảo tre này phơi khô để dành bao giờ cưới Mai đun cháy phải biết. Bố ốm nằm trong giường nghe tiếng cuốc, chặt ngoài vườn thì hỏi Mai nhà có chuyện gì ầm ĩ thế? Mai cười bảo “con chặt bỏ hàng rào đón chàng rể về thăm. Mai này con lấy chồng, bố mẹ già yếu rồi chẳng cần hàng rào cũng vời vợi cách xa. Lúc ốm nằm đó có muốn ngó thăm nhau thì gối đau, mắt mờ, tay chân run rẩy. Con tính đón bố về nhà mình chứ căn lều này đâu có gọi là nhà. Mai này cháu ngoại về không lẽ cũng bắt nó phải chui qua chui lại thăm ông. Bố nghe con, về nhà thôi bố ạ”. Mai nói đến đó thì cạn hơi. Tưởng như vốn ngôn từ cô đọng theo thời gian giờ chỉ còn có vậy. Nói đến đâu cơn đau trào lên đến đó chạy rần rần qua tim. Khuôn mặt xạm đen, khắc khổ của bố bỗng cố giãn ra một nụ cười. “Suốt gần hai mươi năm nay bố chỉ đợi có mấy lời như thế”.
Mai nghe xong thì khóc rưng rức tựa hồ như kho cảm xúc được cài then bấy lâu giờ đang vỡ trận. Chúng tràn qua ranh giới những hàng rào…
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment