Phố thì dài, nhưng nhà ông nằm ở đúng đoạn cua của cây cầu dài hơn trăm mét. Nhiều đêm nghe tiếng xe chạy uỳnh uỳnh, ông nghĩ dại, biết đâu lái xe lao thẳng xuống nóc nhà mình. Cũng có khi đang ngủ, choàng tỉnh dậy vì tưởng như có vật gì đó rơi trên nóc nhà.
Ông nằm yên nghe ngóng. Hình như có tiếng ai kêu cứu, có tiếng thở thoi thóp, có những ngón tay đang bấu chặt lấy tấm fibrô ximăng. Đêm thu se lạnh, ông ngại bước ra ngoài.
Nhưng nếu có ai đó bị tai nạn đang cần ông giúp thì sao? Ý nghĩ ấy thôi thúc ông ngồi dậy mở cửa. Bà già nghe tiếng kẹt cửa thì than trách: “Đã bệnh tật rồi còn tài mò mẫm. Nửa đêm ông định đi đâu? Gặp cơn gió độc nó thổi cho lại méo cả mồm”.
Ông nói gì đó bà không nghe rõ. Kể từ khi bị đột quỵ, ông đi lại khó khăn, ăn nói cũng khó khăn. Để leo hết hai tầng nhà, ông phải vịn cầu thang khó nhọc, vừa đi vừa đứng nghỉ. Lên đến tầng trên cùng, mở cửa bước ra ngoài đường nhìn lên mái nhà, ông chỉ thấy những chiếc lá bàng rụng xuống.
Bà treo bảng “Bán nhà” dễ chừng cũng đã nửa năm. Ban đầu người tìm đến xem nhà dồn dập. Điện thoại reo inh ỏi suốt ngày. Nhưng người nào đến cũng lặng lẽ đi nhanh. Nhà tầng âm ẩm thấp, hơi nước đọng đâu đó len lỏi vào từng lỗ chân lông.
Vài mảng tường mọc rêu, ngửa cổ tìm mải miết cũng không thấy nắng. Thêm một người bệnh tật trong nhà khiến không gian càng thêm u ám. Họ chắc hẳn đều không muốn con cái mình sống trong một ngôi nhà như thế. Tụi trẻ có thể bị tự kỷ, những người già có thể chết vì buồn tẻ. Nên giá rao bán khá rẻ mà không ai tha thiết muốn mua.
Bà đã thôi ý định bán căn nhà mặt phố để kiếm khoản tiền tìm một ngõ nhỏ sống yên bình, dư dả chút ít thì dành dụm lo cho bệnh tật của ông. Con cái đều tìm cớ đi làm ăn xa. Không ai muốn ở nhà chăm hai ông bà già chậm chạp.
Sống ở phố đông đúc là thế nhưng chẳng mấy khi nhìn thấy mặt người. Nhà tầng âm chẳng khác gì bia mộ dành cho người sống. Cả đời bám lấy phố, đến lúc về già, bà chỉ mong được sống ở một nơi chan hòa ánh nắng mặt trời.
Bà định mang biển “Bán nhà” cất đi. Nhưng ông bảo “cứ để đó, biết đâu có người mua”. Bà cười khan: “Cả cái phố này từng treo biển bán nhà biết bao lần mà có ai bán được”.
Người ta ví thành phố giống như một chiếc cúc áo duyên dáng trên dải lụa vắt ngang sông Hồng. Phố nhà âm có lẽ giống như một vệt màu đen tối trên chiếc cúc áo đầy hoa văn và màu sắc ấy. Biết đâu thành phố đang âm mưu xóa sổ phố nhà âm như đã từng xóa sổ khu ổ chuột, khu chợ tạm, khu bãi rác. Ai dại gì mà mua nhà ở đây, ông thừa biết mà cứ hoài ngóng đợi.
Thật ra thì ông cũng chẳng mơ gì bán được nhà. Nhưng treo bảng ở đó sẽ có người gọi đến. Tiếng điện thoại reo lên cũng đủ khuấy tan thứ không khí cô đơn đặc quánh trong nhà.
Biết đâu sẽ có người gọi cửa. Biết đâu sẽ có những bước chân lạ lẫm đi quanh mọi ngóc ngách trong nhà, cả những nơi hằng ngày ông không buồn ngó đến. Dù tiếng người càng khiến ông thêm nhớ con cháu của mình. Đã lâu rồi chúng không về thăm nhà. Mấy đứa cháu thường rụt rè không dám lại gần ông. Chúng nói: “Nhìn ông trong bóng tối không khác gì tượng đá”.
Ừ thì cứ treo biển “Bán nhà”, cứ đăng tin lên mấy trang nhà đất. Cho đến khi không còn một ai ngó dòm đến thì thôi. Ừ thì, chờ đợi những người dưng cũng dễ chịu hơn chờ đợi những người ruột thịt...■
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment