“…Trời lạnh như cắt. Hai bàn chân của bé sưng tím cả lên. Bé cố lê từng bước sát dưới mái hiên cho đỡ lạnh, thỉnh thoảng đôi mắt ngây thơ ngước nhìn đám đông hờ hững qua lại, nửa van xin, nửa ngại ngùng. Không hiểu sao bé chỉ bán có một xu một hộp diêm như mọi ngày mà đêm nay không ai thèm hỏi đến…”
(Cô Bé Bán Diêm –Andecxen)
Đường phố mấy hôm nay nhộn nhịp khác thường, đâu đâu cũng thấy mầu đỏ của mứt kẹo, mùi thơm áo mới, thi thoảng những nụ hoa nở sớm lung linh cả góc trời. Hạnh đứng ngắm nhìn không khí tưng bừng đón xuân của phố xá mà trong lòng nao nao một cảm giác thật khó diễn tả. Vừa là nỗi nhớ quê, là niềm vui sắp được về bên mẹ, bên các em, vừa là nỗi lo tết này làm sao kiếm đủ tiền sắm được cho các em tấm áo. Dẫu sao không khí xung quanh cũng làm nó vui chân bước về phía trước, nơi những con đường tít tắp ngày nào nó cũng rong ruổi đi mà không biết được đâu là điểm dừng chân.
Một ngày của Hạnh bắt đầu từ rất sớm, sớm hơn bất cứ đứa bạn nào trong phòng trọ vì nó còn phải dậy viết thư cho mẹ, mỗi ngày là một bức thư mà bức thư nào cũng tràn đầy thương nhớ. Những bức thư chưa bao giờ được gửi đi, nó nằm lại dưới gối nơi đã thấm khô biết bao giọt nước mắt xa nhà. Và nó tin rằng ngày nào ở quê nhà cũng có ông bưu tá đến gọi cửa trao cho mẹ nó một bức thu vẫn còn thơm mùi mực, mẹ cầm bức thư trên tay như đang cầm cả hơi ấm của nó còn ngủ yên trên trang giấy.
Cả gia tài của nó nằm gọn trong một chiếc thùng nhỏ, đó là những thứ đồ linh tinh bán dọc các phố phường: Ví, bàn trải, bấm ngón tay, vài cuốn sổ nhỏ, bút… Với hy vọng mỗi buổi sáng thức dậy trong thùng đồ đã bớt đi vài thứ và đầy thêm vài đồng tiền lẻ trong con lợn tự tạo bằng chiếc vỏ hộp C sủi dấu kín trong một kẽ nứt của tường. Đó là tiền dành về sắm tết cho mẹ và các em, cứ đầy hộp tiền lẻ nó lại đổi lấy tiền chẵn để dành.
Nhớ những tháng năm còn đủ mẹ đủ cha, quê nghèo nhưng ngày cũng kiếm được bát cơm không phải rời quê ra thành phố phơi mặt giữa đường phố mênh mông, bụi người, xe xộ. Khóc vì cả ngày đi mỏi rã rời đôi bàn chân bé nhỏ vào mùa hè, tê cứng vào mùa đông mà không bán được một thứ đồ, cũng có khi bị người ta lừa mua bằng tiền giả mà không biết. Cứ để cho nhau khóc, sáng ra nhìn mắt nhau xưng húp không đứa nào bảo đứa nào, nhìn nhau cười rồi lại rong ruổi đó đây, để cuối ngày khi đường phố đã mệt mỏi lặng im lại trở về căn phòng tối mịt ôm nhau lăn ra ngủ, nhiều khi quên cả việc tắm táp rửa bụi đường.
* * *
Ngày càng giáp tết hơn, người ta vội lo sắm những thứ to lớn của cả năm trời cho cái tết, là hoa đào, chậu quất, là bánh kẹo, gạo nếp, thịt lợn, dưa hành… Ít ai dừng lại mua mấy thứ hàng lặt vặt cho Hạnh. Dòng người tấp nập vội vã lướt qua những con phố nhỏ, cây cối nở hoa xanh lá, nó thèm bán được nhiều hàng hơn để có thể sắm sửa một cái tết cho các em gọi là “có tết”.
Ngày xưa lúc bố còn sống, nó nhớ mình cũng có một cuộc sống gia đình êm ấm. Bố mẹ làm ruộng, trồng rừng, mấy chị em nó vừa học vừa chăn trâu, cắt cỏ nuôi cá. Tết đến bố mẹ cũng chạy vạy, lo toan cho mấy chị em có một cái tết đủ đầy như con nhà người ta. Tết đến mấy chị em cũng được may tấm áo hay cái quần diện đi chúc tết ông bà. Nhưng từ ngày bố mắc bệnh nặng, ruộng vườn, trâu bò bán hết chạy chữa, của cải thì đã đội nón ra đi mà người thì vẫn không khỏi ốm. Rồi bố mất để lại cho mấy mẹ con chơ chọi một nóc nhà, không còn một mảnh đất nào cắm lên mùa màng, no ấm nữa. Nó bỏ học, bắt đầu những tháng ngày lênh đênh kiếm sống, nó thì thế nào cũng được dẫu sao nó chịu khổ đã nhiều chỉ ước mơ sao các em được đến trường học rồi thoát nghèo, thoát khổ. Những con đường cứ dài, dài ra mãi…
* * *
Gần sang xuân mà tiết trời vẫn lạnh ghê ghớm lắm, các khớp cứ đau luôn, mười ngón tay tím tái do đi ngoài trời lâu không được giữ ấm thi thoảng co quắp vào nhau, thấy thương thay bàn tay bé nhỏ. Thi thoảng xòe tay trái ra xem trong lòng bàn tay có điều gì dự báo hay không, nó nhớ không rõ lắm trong một câu chuyện cổ tích nào đó mà cô giáo lớp ba đã kể rằng những đường chỉ tay của con người chính là số phận, là định mệnh. Hồi bố còn sống có lần bố cầm bàn tay nhỏ xíu của nó nói rằng: “Con gái bố sau này sướng lắm đây”. Thế mà bố đã ra đi mang theo cả lời tiên tri về thế giới bên kia xa tít tắp. Mặc dù thế sáng nào thức dậy nó cũng nhơ về lời nói ấy của bố nó, nó vẫn tin rằng khổ mãi rồi cuộc đời thế nào cũng có ngày hạnh phúc. Mẹ cũng luôn bảo vậy với mấy chị em nên sáng nào trước căn nhà “không nóc” ấy cũng có một vầng mây hồng ấm áp. Đứa em út vẫy chỉ ngón tay bé xíu về phía ấy hỏi ngô nghê:
-Chị ơi! Đó có phải là cỗ xe của bà tiên không chị?
Và lần nào nó cũng trả lời:
-Phải rồi! Bà tiên đến cho em điều ước đấy.
Để sáng nào đứa em út cũng hỏi đi hỏi lại nghe đến tội nghiệp:
-Sao mãi mà bà tiên vẫn chưa đến hả chị?
-Bà phải đi rất lâu trên cỗ xe thời gian ấy, chắc phải khi nào em lớn bà bà tiên mới đến được ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta út ạ.
Em út mỉm cười hiền lành như nắng. Thấy thương đôi mắt đen lay láy bé bỏng biết nhường nào. Đến một ngày phải trả lời thật với út rằng chẳng có bà tiên ông bụt nào hết, chắc là Hạnh sẽ bật khóc lên mất, nhưng sẽ buồn hơn nếu một ngày phải tận mắt nhìn thấy út ngồi buồn cuối thềm vì nhận ra cỗ xe thời gian đưa bà tiên đi mãi. Chẳng bao giờ trùng khít với chiếc kim đồng hồ trong nhà vẫn thổn thức kêu suốt đêm dài thế nên bà tiên không bao giờ đỗ lại, bà không thể ăn thức ăn của chúng ta, uống dòng nước của chúng ta, nói ngôn ngữ của chúng ta, không thể sống trong bầu khí quyển của con người. Ôi! Ước mong sao những điều ước tuổi thơ đừng bao giờ tan vỡ. Sao nó thấy sợ cái giờ phút ấy sẽ đến với mấy đứa em bé nhỏ.
* * *
Trong tủ kính có thật nhiều áo len đẹp mắt, bọn bạn cùng phòng hay ước ao mua được chúng mang về cho mẹ, nhưng Hạnh thì không vì nó biết có mua những chiếc áo lông lẫy ấy mẹ cũng chẳng bao giờ mặc. Và nó cũng biết rằng nếu đưa tiền thì mẹ cũng chẳng bao giờ đi chọn cho mình một chiếc áo ấm đâu. Mẹ lúc nào cũng thế, nhường nhịn lo cho các con nhận phần thiệt về mình. Nên nó sẽ tự tay đi chọn cho mẹ một chiếc áo ở chợ, áo bình thường thôi nhưng nhất định là phải ấm. Mùa lạnh mẹ lội xuống đồng thương lắm, sương quê ăn mòn cả mặt người.
Nhẩm tính những con số trong đầu, nó nghĩ cũng đủ sắm một cái tết gọi là có bánh có thịt cho các em đỡ tủi thân, mà bánh trưng thể nào mẹ cũng gói xong rồi.
Những ý nghĩ ấy như những nốt nhạc đang rộn rã trong lòng. Cả xóm trọ người ở người về, nhìn những người vất vả cả năm mà mấy ngày tết còn cố ở lại mà kiếm thêm tiền, thấy như có cơn gió nào vừa đổ ập trong lòng nó. Những người về quê ăn tết ai cũng chuẩn bị đồ đạc tay xách nách mang có người còn kiếm được cành đào cuối chợ về điểm tô cho tết. Thấy ai cũng vui vui, môi nở những nụ cười đẹp như vầng mây hồng buổi sáng. Tiếng trẻ con khóc tỉnh dậy giữa đêm và lời ru của người mẹ nào cất lên sao chênh chao nỗi nhớ:
“À… í… à… à… ời…
À… í… à… à… ơi…
Sông kia lúc cạn lúc đầy
Đời người có khổ có ngày vui lên
À… í… à… à… ời…
À… í… à… à… ơi…”
* * *
Ngày mai là chuyến tàu cuối cùng về quê, chiếc vé đã nằm gọn trong con lợn bằng hộp C sủi dấu dưới kẽ tường vừa được Hạnh mang lên. Nó cứ nghĩ miên man về tiếng còi tầu rúc lên giữa đêm khuya trong căn nhà vắng của mấy mẹ con, tiếng còi ấy sẽ đưa nó trở về vào ngày mai bên gia đình để kịp đón một đêm giao thừa bên mâm cỗ tất niên. Nó nghĩ về những que diêm còn đút trong túi quân, nghĩ về cỗ xe thời gian của bà tiên trở ước mơ cho đứa em út có ngón tay nhỏ xinh bé xíu chỉ về phía đám mây hồng nở bung mỗi sáng. Và… Nó nghĩ về những điều kỳ diệu trong lòng bàn tay mà bố đã từng nói đến, biết đâu những điều kỳ diệu ấy sẽ đến trong năm mới. Giao thừa mà, giao thừa là hạnh phúc, cứ được về quê ăn tết là hạnh phúc, nó chả mong gì hơn thế cả. Gần sáng mà nó vẫn không tài nào nhắm mắt nổi, mùi bánh trưng, dưa hành và điệu nhạc bằng thứ ngôn ngữ mà nó chưa bao giờ hiểu cứ vang rộn lên trong lòng nó.
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment