Hình ảnh những đứa trẻ con nằm la liệt, ruồi muỗi bu đầy, trên miệng ngậm chặt bình sữa không trong những căn lều tạm ở một ngôi làng thuộc tình punjab, Pakistan đã khiến hàng triệu triệu trái tim trên khắp thế giới nhói lòng. Tôi chợt rùng mình, nhắm chặt mắt trước hình ảnh bé gái hai tuổi bị tiêu chảy cấp nằm li bì trong khi cả hai lỗ mũi, hai khóe mắt và miệng ruồi đều bu kín. Cái cảm giác thương xót và ghê sợ cứ hòa vào làm một. Hình ảnh ấy như ám ảnh trong đầu óc tôi. Ám ảnh đến muốn nổ bung đầu.
Phương mở cửa phòng trọ. Mùi “nước hoa mỹ” từ nhà nuôi chó của bà chủ sộc sang đến lợm giọng. Nó đóng sập cánh cửa và lao đầu vào chăn “tự tử”. Một lúc sau Phương mới ngẩng lên nhìn tôi bảo:
-Chị ơi bả chuột bán ở đâu ý nhỉ?
Tôi phì cười:
-Toàn thuốc dởm thôi, chó đực ăn vào lại sinh năm đẻ bảy ra thì biết tính sao.
Nó lại lao đầu vào chăn i ỉ khóc hờ. Tôi bỗng mường tượng ra việc sáng sớm mai, khi tôi chưa kịp thức giấc thì đã thấy loa của bà bán báo rong rao lên inh ỏi: “Ai mua báo nào… ai mua báo đi… con dể giết mẹ vợ trộm vàng, ông lão tám mươi thất tình nhảy lầu tự tử, hai con chó nhà bà X tự nhiên lăn ra chết chưa xác định rõ nguyên nhân… Ai mua báo nào…ai mua báo đi…”. Nếu mà như thế thật chắc là tôi sẽ phải rác tai vì bà chủ lắm. Nghĩ đi nghĩ lại thì thà ngửi nước hoa Mỹ còn hơn.
Xóm nhỏ rất nghèo. Xóm của những người lao động tứ phương đổ về Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Rồi tối tối lại kéo về xóm trọ tồi tàn ngả lưng, nhắm mắt sau khi đã nuốt khan cái bánh mỳ ỉu xìu mua rẻ của các bà bán bánh mỳ pa tê đầu ngõ. Tôi vẫn thường ngửi thấy mùi bánh mỳ, mùi mồ hôi và nghe thấy tiếng ngáy nặng nhọc phả ra từ xóm trọ. Căn phòng tôi ngay gần đấy. Nghèo và buồn. Hôi và chật chội. Sáng nào thức dậy cũng phải suy nghĩ xem có nên sống tiếp hay không. Có thể khi đọc đến những dòng chữ này mọi người sẽ nghĩ tôi còn trẻ mà tiêu cực. Xin thưa rằng tuổi trẻ lắm hoài bão thật nhưng cũng dễ gục lòng trước một thực tại tồi tàn và một tương lai mù mịt. Tôi là một trong số đó.
* * *
Lúc nhỏ, mẹ thường bảo tôi:
-Con phải đi hái rau dại mà ăn, chúng ta sắp chết đói đến nơi rồi.
Tôi hỏi:
-Khi nào thì chúng ta sẽ chết.
Mẹ bảo:
-Khi nào chúng ta cứ ngồi một chỗ mà chờ đợi.
Thế là từ hôm ấy tôi biết đi qua mấy cánh đồng hái loài rau dại về ăn trừ bữa. Cái đói những năm đầu thập niên 90 thật là kinh khủng. Tôi cứ nghĩ tất cả chúng tôi sẽ chết, không vì đói thì cũng vì bệnh tật. Ngày ấy trẻ con chết rất nhiều. Có những quả đồi chỉ dành để chôn lũ trẻ.
Đã có lúc tôi cứ tự chất vấn mình rằng không biết tôi sống sót là vì cái gì? Vì những ngọn rau dại còn sót lại ngoài đồng hắc xịt và đắng ngắt. Hay vì những giấc mơ, những bữa đại tiệc trong thế giới mộng tưởng đã cứu giúp tôi? Cái đùi gà vàng suộm, cái bánh rán ngọt lịm đường, nồi cơm gạo trắng bong, vài ba con cá mắm rán vàng… Tất tần tật những thứ đã làm tôi no nê trong giấc mơ ảo tưởng sau cơn đói mệt lả người. Tôi không biết bố mẹ, anh trai và em út có được gặp giấc mơ vừa tốt đẹp vừa cay nghiệt ấy không. Nhưng một buổi sáng nào đó trong cuộc đời, khi tỉnh dậy tôi nhận ra dưới chỗ thằng út nằm ướt đẫm nước miếng. Để rồi tôi đau xót nhận ra rằng chúng tôi là những người khốn khổ.
-Chị ơi! Bao giờ thì chúng ta hết đói?
-Khi nào à? Chị cũng không biết nữa. Nhưng mẹ bảo chúng ta không được nằm chờ.
Trong thứ ánh sáng âm u của buổi chiều tàn, tiếng bà mẹ nào hờ khóc đứa con thơ vừa nằm lại trên quả đồi hoang, tiếng tắc kè não nề, tiếng bước chân người đói nhẹ như bâng… Tất cả tạo nên một không khí buồn thảm, phả vào trời chiều nỗi ám ảnh không khi nào phai nhạt. Tôi ngoảng sang, thấy giọt nước mắt lăn tròn trên gò má gầy xọp của út. Chúng tôi nằm thẳng cẳng, ngửa mặt lên trời, để mặc cho sương xuống ướt đẫm. Mẹ đi nấu nồi cháo sắn loãng, bà cụ hàng xóm sang xin một hớp. Con cộc, con chó gầy guộc đến khốn khổ ghếch mõm lên chờ đợi nhưng dường như nó cũng hiểu rằng trong cái thời buổi kề cận địa đàng này sẽ chẳng ai sơ ý để rơi một giọt cháo nào cho nó. Nên con cộc phủ phục xuống đất, nó thở không ra hơi, thi thoảng cố gắng lắm nó mới mở mắt ngước nhìn mọi người. Làng xóm bảo mổ chó mà ăn, để làm gì. Bố tôi ngồi tựa vào tường bảo:
-Tôi không còn đủ sức để hóa kiếp cho bất cứ con vật nào.
Rồi ôm con cộc khóc. Ba ngày sau nó chết. Nhà không ai còn đủ sức rơi một giọt nước mắt nào khóc thương nó cả. Còn bây giờ trong đầu óc tôi vẫn là những đứa trẻ Pakistan nằm la liệt trong các lều tạm bợ, ruồi muỗi bu đầy mặt mũi, trên miệng ngậm chặt bình sữa không. Chập chờn trong dòng chảy kí ức tôi thấy mình đang nằm giữa những đứa trẻ ấy, trên tay vẫn còn ngậm loài rau dại mang tên Cu sếu. Đến tận bây giờ tôi mới biết loài rau ấy thật đắng. Đắng như nước mắt người đời.
Xóm trọ nhỏ, hơi thở của những người lao động lại phả vào đêm. Tôi im nghe như nuốt từng nhịp một. Đã có lúc tôi phát hiện ra trong sự yên ắng đến tĩnh lặng của đêm có giọt nước mắt của người đàn bà nào đó trong xóm lao động đang lăn xuống rất lặng thầm.
* * *
Hàng loạt tin tức mới về Pakistan được đưa lên các trang báo mạng. Hình ảnh người đàn ông ngồi khóc trên mộ những đứa trẻ sinh ra, chưa kịp lớn lên để cảm nhận và thương yêu cuộc đời đã gặp phải mùa bão lũ. Đói và bệnh tật. Cái vô hạn và hữu hạn. Mà sự sống thì luôn mỏng manh như một mảng khói chiều. Phương bảo tôi đọc chi mấy tin tức ấy mà buồn, biết rồi cũng có giúp được gì đâu. Pakistan là một cái đất nước ở tận đẩu tận đâu, biết đến cuối đời cũng có đặt chân được đến? Biết rồi chỉ để làm cho một tâm hồn ở cách xa đất nước nghèo nàn, khốn khổ ấy mấy nghìn dặm thêm phần ám ảnh. Sự ám ảnh đâu phải là lúc nào cũng làm con người ta tốt lên đâu. Đôi khi nó hủy hoại tâm hồn ta lúc nào không biết. Lúc Phương nói thế, tôi thấy nó lại đâm đầu vào gối như khi ngửi thấy mùi “nước hoa Mỹ” từ chuồng chó nhà bà chủ bay vào.
Phương rất hồn nhiên. Một ngày miệng nó có thể nói đi tự tử cả trăm lần nhưng đời vẫn vui phơi phới. Miệng nó thì nói “tiền chẳng là cái đinh gỉ gì” nhưng ngay lúc đó sẵn sàng mặc cả với người bán hàng rong từng trăm con một cho đến lúc không thể mặc cả được thì mới thôi. Nó có thể nói “bọn con trai là một lũ đểu” nhưng ngay lúc đấy cái điện thoại mà sáng lên một cái tên “anh X” nào đó gọi đến là nó reo vui như trẻ nhỏ nhận quà từ tay mẹ. Hết thảy mọi thứ trong cuộc sống này đều khiến nó vui mà cũng có thể khiến nó buồn chốc lát. Ai đó đã từng bảo nó sống hời hợt nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi tôi nhớ có một hôm nào đó, vào một buổi chiều mùa đông tôi cảm giác như không chịu nổi sự buồn bã, lạnh lẽo của xóm trọ nghèo. Tôi đã rủ nó ra đi nhưng nó lắc đầu bảo sẽ nhớ nơi này lắm.
Nó thích giàu, đó cũng là cái lẽ thường tình của loài người. Nhưng thèm giàu như nó thì không phải ai cũng vậy. Tiêu chuẩn người yêu của nó không chỉ là đẹp trai mà phải là con nhà giàu như bọn choai choai vẫn gọi “nhà mặt phố, bố làm quan”, nếu không thì nghỉ nhé. Cái mong muốn được đổi đời, được sống trong một giai cấp khác, phải chăng để mong muốn gột sạch cái kí ức tối tăm, nghèo khổ? Thi thoảng tôi vẫn thường bị đánh thức bởi giấc mơ của nó. Không nói mê sảng, chỉ là những tiếng nấc khan rồi cuối cùng nước mắt chảy đầm đìa trên gò má. Tôi nhận ra một khoảng sâu thẳm trong Phương, cái khoảng lặng luôn được giấu kín trong sự hồn nhiên mỗi sáng.
Phương giống tôi ở chỗ, mỗi buổi chiều sau khi đã ngập tràn trong công việc và toan tính, nó ngồi lại bên ô cửa nhỏ thầm lặng nhìn những con người lầm lũi, những tiếng rao lầm lũi, những khuôn mặt cúi gằm như chỉ sợ mỗi bước chân là mỗi bước vấp ngã. Đôi khi tôi và nó cùng thở đài. Buồn rất buồn.
* * *
Không hiểu sao từ khi tôi đọc những dòng tin đầu tiên về Pakistan, sáng nào tỉnh giấc tôi cũng giật mình mở ngay laptop để xem tin tức. Giống như những ngày miền Trung gặp bão, rất nhiều người Hà Nội thắc thỏm chẳng yên. Tôi đã từng gặp những bà cụ già lên chùa không cầu bất cứ thứ gì cho bản thân và gia đình mà chỉ cầu duy nhất cho khúc ruột miền Trung bão mau tan. Những em bé tần ngần trước quán quà sáng để rồi bước đi, để dành vài nghìn đến lớp bỏ vào quỹ gửi đến miền Trung. Ai gặp nhau lạ mấy nhưng hễ thấy nói về miền Trung là đỗ lại hỏi thăm tin tức mới, để rồi lại cúi mặt đi.
Phố nhỏ của tôi có rất nhiều người dân lao động từ dải đất miền Trung ra thành phố bươn trải. Chúng tôi thường gặp nhau ở chợ cóc cuối ngõ, họ hay mua đậu của bác thương binh, hay mua rau của bà cụ già. Mỗi thứ một ít, không bao giờ mặc cả vì hình như tất cả họ, người bán và người mua đều cám được cái cảnh ngộ khốn khổ của nhau. Không ai lỡ bán đắt cũng không ai muốn trả rẻ hơn. Họ hay đi chợ muộn, khi chợ đã tàn, rau dưa còn ế. Phương bảo:
-Sống như họ thì chán nhỉ! Đời chả biết hưởng thụ gì.
Tôi biết sau câu nói ấy mắt cả hai đứa đều cay. Tôi bảo Phương:
-Tin không, trong số họ, thể nào cũng có người đi buôn đồng nát, đi đập tường thuê mà nuôi mấy đứa con đi học Đại học đấy. Đừng khinh họ.
Phương bảo:
-Tin. Tin chứ. Nhưng tin để làm gì. Học hành rồi có đi đến một cuộc sống tốt đẹp không? Như em. Như chị. Như bao nhiêu đứa đầy năng lực vẫn thất nghiệp dài dài.
Tôi bảo:
-Mỗi người sống có một mục đích riêng.
Nó vặc lại:
-Nhưng không phải là những mục đích mù quáng.
-Thế cứ kiếm chồng giàu như em thì mới là sáng suốt à?
Nó bảo “thôi không cãi nhau nữa” rồi lại lao đầu vào chăn.
Khi chúng tôi ngồi cãi nhau về mục đích sống trên đời, về sự giàu nghèo thì ở Pakistan người dân vật vờ vì cái đói. Có biết bao đứa trẻ suốt một ngày dài thoi thóp chờ đợi mà không một hạt cơm, không một giọt sữa và không một tia hy vọng. Bên xóm trọ của những người lao động, mùi canh đậu lại bốc lên. Phương bảo mỗi lần ngửi thấy mùi canh đậu là lại thấy buồn nôn. Tôi khẽ buốt lòng. Nhớ ngày xưa, lúc còn bé xíu, bà bán bã đậu đi qua ngõ rao hai trăm một bát loa đầy mà ngước lên nhìn mẹ chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhà nghèo nên giấc mơ về bát bã đậu đầy cứ ám vào từng đêm tối. Giờ vẫn thèm nhưng chẳng hiểu sao không khi nào ghé qua mua của bà cụ mù một bát.
Phương ngồi chỗm chuệ trên con SH của chàng. Tôi đóng cửa, tắt điện nằm nghe những im ắng của phố nhỏ Hà Thành. Hình ảnh một bé gái Pakistan đang hôn lên má đứa em mới sinh của mình ở bệnh viện Nowshera. Giữa mùa bão lũ, giữa cái đói, bệnh tật và chết chóc rình rập cận kề, thì một sinh linh ra đời vẫn được chào đón như một ngày quan trọng. Cũng may trước khi chìm vào giấc ngủ tôi còn kịp nói với em bé Pakistan “mừng bé sinh ra trong cuộc đời nhiều đau khổ và cũng lắm hạnh phúc này”.
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment