Ừ thì bà không bệnh, chỉ là ngày nào cũng ngồi ủ rũ trong buồng, hắt ánh nhìn miên man qua ô cửa sổ. Có những ngày nắng rón rén liếm vào bàn chân bà sưng húp vì bệnh khớp. Nắng hắt trên mái tóc muối tiêu rờ rỡ tuổi già.
Ông thấy mắt bà vụt sáng rồi vụt tắt. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy tính bằng thời gian bừng nở của pháo hoa. Bung lên nền trời đủ loại sắc màu rồi tàn lụi ngay khi rực rỡ nhất. Nó nhanh đến mức ông không kịp bước vào tâm trí bà. Mấy đứa con cứ giục mẹ đi đến bác sĩ tâm lý xem sao. Bà xua tay “mẹ đâu có bệnh tật gì”.
Ông xích con chó ngoài vườn để nó không nhào ra cắn khách. Một con chó mới lớn nhắng nhít nghe tiếng động gì xung quanh cũng sủa. Những trưa nắng chập chờn giấc mộng bà thường mơ thấy những cánh hoa trắng dập dềnh trôi.
Tiếng chó sủa khiến bà già tỉnh giấc dụi mắt tìm nắng. Bà tìm quanh quất trong sân. Chỗ ông già đang khom lưng phơi những mẹt khổ qua cuối mùa đủ cho bà tắm cả năm.
Kể từ khi xương khớp bà đau nhức, ông thường thay bà đi chợ. Sáng nào ông cũng đi. Nhiều khi không mua gì ngoài những trái khổ qua. Cũng có khi mua thêm mớ tép đồng bụng căng tròn trứng. Mang về kho tương thái thêm vài lát mỏng khế chua. Kho thật lâu thật mục. Đến bữa nhìn thấy đĩa tép kho mắt bà vui như trẻ thơ. Cũng bõ công ông ngồi nhặt sạch rơm rác rong rêu lẫn vào trong tép.
Mẻ khổ qua cuối cùng chưa kịp phơi khô thì gió mùa về. Ông mở chiếc hòm đạn đầy mùi gián mang đống quần áo rét ra giặt lại. Áo của bà có những cái mua từ hồi còn trẻ. Áo vẫn lành lặn, chỉ có những sợi chỉ mơ hồ của thời gian là dường như đã mủn.
Năm nào ông già cũng mang chúng đi phơi nắng thơm tho. Bà cười bảo “phơi mãi rồi đến chính tôi cũng không nhận ra mùi ký ức”. Ông thấy tim mình đau nhưng vờ như tỉnh rụi, chép miệng bảo “toàn mùi gián chứ kiếm đâu ra mùi ký ức mà bà tiếc rẻ”.
Bà ngó dây phơi thấy mờ ảo phất phơ mấy chiếc áo trẻ con. Chiếc nào cũng thơm mùi hương hoa. Cái Thảo của bà có thói quen giấu hoa vào trong áo. Hoa nhài thơm nức, hoa thủy tiên dìu dịu, hoa bưởi nồng nàn. Hôm Thảo nằm im lìm trên giường trong tay còn giấu một chùm hoa khế tím biếc.
Nhưng trái tim bé bỏng đã ngừng đập trong chính giây phút nắng từ đỉnh núi đổ tràn xuống vàng tươi lấp lánh như nhụy hoa. Như mật ngọt. Ngay cả khoảnh khắc tươi đẹp nhất cũng nhuốm đầy tuyệt vọng. Suốt bao nhiêu năm qua bà không nguôi ám ảnh màu nắng ấy. Màu vàng của mật đắng. Ngấm trong từng mạch máu của bà...
Xứ này cứ bảy giờ tối là xúm xít trước tivi nghe thời tiết. Từng ấy con người lo ngay ngáy khi nghe cô em-xi xinh đẹp dự báo có mưa rào. Người than “chết dở, hồi chiều mới mang thúng mạ đi gieo”. Người nhìn bãi ngô trước nhà dưới gốc vẫn còn nguyên đạm trắng chưa kịp ngấm xuống đất, ruộng thì dốc, mưa rào bây giờ là trôi đi hết.
Người thì lo mấy mẻ chuối phơi chưa khô, măng vẫn còn ươi ưởi, củi tươi vừa mới bổ, hôm qua trở giời mang hết quần áo ra giặt. Mưa bây giờ thì rầu lòng lắm, sao khô? Chỉ riêng ông già là không tin dự báo nhà đài. Đêm trước nhìn trời đầy sao, nhìn mây nhã bừa là biết hôm sau nắng vỡ đầu. Nếu đám chuồn chuồn bay lè tè dưới ngọn cỏ may trước nhà là y rằng sắp mưa.
Đám mối bò ra khỏi hang bay loạn xạ, cánh rụng tơi bời là bão đâu đó xa xa, chẳng mấy chốc mà ập về xóm nhỏ. Ông còn nhiều mẹo “trông trời, trông đất, trông mây” hay lắm. Làm sao mà tin được nhà đài. Mấy lần báo bão rần rần cả làng chờ mãi mà trời trong gió lặng. Cũng có hôm ông bận lúi húi trong bếp với nồi kho quẹt không kịp ngó trời.
Nghe bập bõm nhà đài báo mưa to, ông nghĩ bụng mưa thì cơm kho quẹt càng ngon. Ai ngờ trời nắng đẹp mới chết. Báo hại ông không kịp chuẩn bị gì để chống chọi với cơn buồn của bà. Những cơn buồn rụng rời lại thường chỉ đến vào ngày nắng.
Mà nắng xứ này thì vàng như hóa thạch. Bà già ngó đâu cũng sẽ thấy những ngày bế Thảo đi tắm nắng, miệng môi nó còn thơm mùi sữa. Thấy ào ra từ nắng một con bé tóc đen láy, chân đi guốc gỗ lộc cộc, bộ váy hoa sóng sánh đầy nắng.
Thảo đi tìm hoa, luồn hết bụi cây này đến bụi cây khác, cánh hoa còn rụng trắng đầu. Thảo bước đến ùa vào lòng bà nũng nịu. Bà ngỡ như đang ôm nắng trong lòng. Nắng lắc rắc rơi từ ngọn tóc, từ gấu quần tay áo, từ bờ mi cong vút của Thảo. Nên giờ cứ thấy nắng là bà già như thấy đứa cháu gái bảy tuổi của mình. Sờ nắng là sờ thấy da thịt Thảo. Hít hà mùi nắng là thấy mái tóc Thảo thơm hương hoa bưởi.
Những ngày nắng ông già vất lắm. Phải thu dọn chỗ này bày biện chỗ kia. Có mẹt chuối phơi đủ nắng dẻo thơm để phần con cháu phải đem giấu dưới bếp. Sợ bà nhìn thấy sẽ reo lên “Cái Thảo thích mê món này. Lần nào cũng lấy đút đầy hai túi quần để nhấm nháp dần. Mang ngào với mật mía cũng ngon”.
Ông vờ than “Giờ muốn kiếm cân mật mía ngon mà khó quá. Chợ bán đầy nhưng toàn mật không nguyên chất. Họ pha cả đấy bà ạ. Làm sao mà sánh đặc như mật mía hồi xưa tôi với bà làm. Chừng nào tìm mua được mật ngon tôi sẽ làm bánh gio cho bà ăn. Mà mật mang chấm sắn luộc cũng ngon bà nhỉ”.
Tưởng bà sẽ nương theo câu chuyện mà quên. Ai ngờ bà nương theo để nhớ. Nhớ những lần ngồi gói bánh gio Thảo dùng mười ngón tay bé xíu xinh xinh vụng về gói bánh. Thảo nói bánh gio trông mềm mại và nũng nịu như má em bé.
Giờ mỗi lần cắn miếng bánh gio ngọt mát là bà ứa nước mắt nhớ nó. Màu bánh như màu nắng. Màu của ký ức vàng tươi đau đáu. Vàng tươi tuyệt vọng. Nên chỉ cần có tiếng ai đó gọi nhau í ới xa xa là bà hốt hoảng giật mình. Tưởng như tiếng gọi trong buổi trưa năm ấy.
Cái buổi trưa nắng đẹp đã nuốt đứa cháu yêu của bà dưới đáy ao sâu lúc Thảo đứng mấp mé bên bờ vít cành hoa dại. Những cánh hoa trắng muốt còn dập dềnh trên mặt nước. Thảo nằm trên tay bà im lìm như một bông hoa. Mười năm qua bông hoa vẫn nở trong lòng bà những ngày nắng đẹp.
Ông ngóng nắng tắt nóng ruột như người ta chờ cho mưa tạnh, bão qua. Tưởng như ông đang cuộn từng mẻ nắng cất đi. Bà ngồi bất động bên cửa sổ. Mắt đăm đăm không rõ nhìn gì.
Ông gọi người lấp ao. Máy xúc ngoạm từng khoanh đất, nuốt chửng luôn cả những chùm hoa dại trắng muốt. Bà già ngồi trong buồng mường tượng ra cảnh người ta xúc từng xẻng đất lấp huyệt. Thảo bé bỏng của bà trong tay còn cầm hoa. Túi áo thơm mùi hoa. Mái tóc cài hoa trắng.
Những đứa con lần lượt thay nhau dìu bà về. Con đường ra nghĩa trang xa như đường thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Suốt mười năm qua bà đã thỉnh hồi kinh sám hối. Ban đầu là đau đớn vật vã, kế tiếp là cơn đau âm ỉ im lìm. Rồi bà cũng giả vờ quên để sống.
Đúng hơn là để các con yên lòng quên đi nỗi đau tiếp tục sống những tháng ngày phía trước. Nên người ta từng thấy bà cười nói rôm rả. Thấy bà mua cá giống về thả ao. Ngày giỗ Thảo bà thôi không khóc nữa.
Bà giục con dâu sinh đứa khác “phận cái Thảo ngắn nên nó chỉ ở với chúng ta được vậy thôi. Duyên số trời định các con đừng buồn mãi”. Chỉ có ông mới biết đêm nào bà cũng ôm vào lòng tấm áo của Thảo. Chiếc áo mà hôm các con mang đốt bà đã lén giấu đi. Bà hít hà nó cho đến khi ngủ thiếp đi trong cơn mê mệt.
Ông gỡ tấm áo khỏi bàn tay gầy guộc của bà mang đi giặt. Bà than “giặt làm gì cho nhạt mùi da thịt thơm tho của Thảo”. Ông giả bộ càu nhàu “toàn mùi nước mắt nước mũi của bà thì có. Không giặt thì mấy mà mốc đen”. Giá mà mùi áo phai, ký ức của bà cũng nhạt nhòa dần thì tốt biết bao. Để ông không cần phải mượn cớ cơn bão cấp 10 ghé qua đã cuốn bay chiếc áo cùng đám mùng mền đang phơi ở sân sau.
Bà giận ông suốt mấy ngày liền hỏi không nói, gọi không thưa. Đêm ấy ông cảm, thèm một bát cháo nóng mà bà còn giận. Chờ ai đó đánh cảm mà bà vẫn giận. Muốn nhờ bà lấy hộ cái chăn mà cơn giận ấy chưa nguôi. May mà thằng con cả tự nhiên ghé thăm. Nó nói mà như khóc “hai người già ở với nhau mà một người nửa tỉnh nửa mê thì sống sao cho nổi”.
Đến tận khi nó đòi đón ông bà lên thị trấn ở cùng thì cơn giận ấy mới nguôi. Bà nhất quyết không chịu đi, vờ tươi tỉnh bảo các con “mẹ bệnh hồi nào chứ?”. Ông cũng đâu nỡ giục. Từ khi cái Thảo mất bà mang mặc cảm tội lỗi với con dâu. Nó không trách câu nào nhưng tim bà đau.
Ông hiểu hết nên bảo với con trai “Mình bố khỏe là được rồi. Mẹ con có đau yếu gì vẫn còn có bố”. Bà vẫn ngồi trong buồng ngóng vọng ra cửa sổ. Ông lúi húi ngồi giữa sân phơi nghệ vo viên cho bà uống mỗi sáng sớm, chữa bệnh đau hang vị dạ dày. Bà đau nhiều năm nay, nếu không có món nghệ của ông chắc gì trụ nổi.
Vo được mẹt nghệ với mật ong ông đau muốn gãy lưng. Lúc đứng dậy ông loạng choạng chới với như muốn ngã, mặt nhăn nhúm vì đau. Khoảnh khắc ấy dĩ nhiên bà không thấy được. Vì bà còn mải nhìn những cánh hoa trắng lấp lóa, dập dềnh trôi. Những cánh hoa mường tượng tràn ngập tâm trí của bà...
Một buổi sáng ông đi. Đó là buổi sáng bình thường như rất nhiều buổi sáng khác trong đời. Ông dậy sớm ra vườn ôm củi vào bếp. Bắc nồi cháo hạt sen, đun thêm ấm nước lá vối cho bà uống. Lúc ông bưng bát cháo nóng hổi vào buồng thì bà vẫn đang ngồi ngóng ra cửa sổ.
Ông đoán bà không nghe thấy bước chân ông. Không ngửi thấy mùi dầu gió trên người ông. Cả tiếng khớp chân ông kêu rời rạc cũng không làm bà quay lại. Tiếng ông khép cánh cửa kêu kèn kẹt chắc cũng chỉ như tiếng gió bên tai bà thôi.
Lúc ra đến sân ông đứng lóng ngóng hồi lâu không biết nên đi hay ở. Ra đến ngõ ông lừng khừng thấy hình như mình quên thứ gì. Lúc gã phụ xe kéo tuột ông lên xe ông ngẩn người nghĩ ngợi hồi lâu, lòng tự hỏi không biết lúc đi mình đã chào bà ấy hay chưa? Hình như cũng quên dặn thằng cháu cho con mèo và hai con chó ăn ngày hai bữa.
Đống củi đã chẻ để ngoài hiên bếp quên chưa đậy bạt, mùa này hay mưa bất chợt, lỡ ướt thì lấy đâu ra củi để đun. Con gà mái hoa mơ hư lắm, ổ không đẻ mà toàn đẻ bậy ngoài vườn. Chắc là bà không ra vườn, trứng gà thể nào cũng tẩm bổ cho bọn chó. Nồi cá bống kho tiêu còn ủ ấm trên bếp, không có ông gỡ xương bà lẩn thẩn có khi ăn lại hóc. Chai rượu rết để sau chân tủ không biết bà có nhớ lấy bóp mỗi khi đau nhức hay không.
Ông muốn quay lại cất mấy mẹt râu ngô phơi trên mái bếp nhưng xe đã chạy được một đoạn rất xa rồi. Phụ xe đứng lù lù trước mặt thu tiền hỏi “cụ về đâu?”. Ông đưa mảnh giấy nhỏ ghi dòng địa chỉ. Gã gật gù “Xa phết. Cụ về đến bến bắt xe ôm đi thêm hai chục cây số thì đến. Đường rừng khó đi lắm. Mà cụ già yếu rồi sao chỉ đi lên đó một mình?”.
Ông thò tay vào áo ngực moi mấy chục tiền lẻ trả tiền xe, móm mém cười “người ta mách trên đó có thầy thuốc giỏi”. “Thế cụ đi cắt thuốc cho ai?”. Ông không kịp trả lời, tâm trí bị vướng lại nơi mấy đầu ngón tay vừa chạm vào những cánh hoa khô nằm im lìm trong túi áo. Túi áo bạc màu nơi ngực trái. Dường như thịt da ông cũng xơ xác mỏng manh nên hoa chạm vào tim nhói lên một cơn đau ngọt lịm.
Mấy hôm ông đi xa, đứa cháu họ đến ở trông nhà hộ. Nó càu nhàu khi ông dặn làm toàn những việc không tên. Nấu cơm cho bà và chăm mấy con chó đã đành. Đằng này mấy bông hoa dại trắng mọc quanh vườn ông cũng dặn phải dậy thật sớm hái cho bằng hết.
Mà xứ này thì thiếu gì hoa dại. Gù lưng nhổ vài buổi cũng chẳng hết. Như thể chúng ủ sẵn hạt mầm từ nghìn năm trước trong lòng đất giờ chỉ việc sinh sôi. Những loài hoa không tên, nhụy vàng hoặc đỏ, cánh muôn muốt trắng. Loài có mùi loài không. Loài nở tóe loe loài lại e ấp cho đến tận khi tàn lụi. Thằng nhỏ mười bảy tuổi thấy công việc ấy vô nghĩa quá mà cũng mất sức quá nên mặc kệ.
Bà già ngồi trong buồng đúng hai ngày mới tỉnh cơn mê man nhận ra cháo mình ăn có mùi vị khác. Tiếng khép cửa cũng mạnh tay hơn. Sân nhà vắng cái dáng khom lưng phơi cái này gom cái kia. Ngày nào ông cũng kiếm cớ gì đó ra đứng giữa sân.
Nhiều khi chẻ lạt không ngồi trong nhà cho râm ông lại lôi ra sân ngồi cho nắng. Nắng ướt đẫm lưng áo bạc màu. Nắng phản chiếu lên râu tóc càng thêm bạc. Nắng phết lên hai cánh tay ông thêm đen đúa. Nhễ nhại giữa cái nắng đến hoa mắt chóng mặt mà bà không hay.
Có hôm mưa ông giở chứng mang chổi ra quét sân. Mấy cây xoan gặp bão rụng xuống từng đợt lá. Quét chưa hết đợt này thì lại đợt khác rụng vàng sân. Chổi gặp mưa quét nặng tay. Người dầm mưa ướt sũng chỉ muốn rũ xuống như những chiếc lá xoan. Sân ngay trước mắt bà đấy thôi vậy mà bà cũng đâu có thấy.
Bà cứ mải miết chìm đắm trong mớ ký ức thương nhớ, đau buồn hỗn độn. Người ở đây mà hồn bà đã thuộc về dĩ vãng. Sáng nay bỗng nhiên bà giật mình đưa đôi mắt u sầu tìm kiếm xung quanh.
Bà hỏi thằng cháu “ông đâu rồi?”. Nó nhe nhởn cười “ông vắng nhà đã hai ngày mà giờ bà mới hỏi ông đâu?”. Nó cầm cái ấm sắc thuốc đi qua sân luồn xuống bếp, bỏ rơi lộp độp vài câu nói phía sau “ông bảo đi lấy thuốc cho bà. Đi đến chừng nào nghe thấy bà gọi thì về”.
Bà cười nghĩ người đi tận đẩu đâu thì biết gọi làm sao? Thằng nhỏ lại từ bếp băng qua sân rải dọc đường vài ba câu nói “ông nhắn nếu thấy nhớ bà cứ gọi, dù ở đâu ông cũng nghe thấy được”. Nó còn lẩm bẩm câu gì đó nhưng bà chỉ còn nhìn thấy một cái nhún vai.
Bạn hỏi tôi bà có gọi tên ông không à? Ai mà biết chứ. Nếu có gọi chắc cũng chỉ ông mới nghe thấy được. Lời yêu lùa qua những khoảng trống hoắc huơ trên hàm răng đã rụng gần hết của bà chắc là sẽ méo mó đi nhiều. Có hề gì, chỉ cần ông nghe thấu thôi là đủ. Tôi chỉ thấy sáng nay hoa trắng quanh vườn như hẹn nhau bừng nở...■
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment